Phát triển công nghiệp Bình Thuận qua 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022)
Đại hội đại biểu Đảng bộ
tỉnh Bình Thuận lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1992-1996) chủ
trương xây dựng cơ cấu kinh tế nông - ngư - lâm
nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, trong đó nông nghiệp là mặt trận hàng đầu,
thuỷ sản là ngành mũi nhọn, đưa công nghiệp chế biến phát triển nhanh.
Trải qua 30 năm (1992 - 2022), ngành công nghiệp của tỉnh Bình Thuận có tốc độ tăng trưởng khá
cao, với giá trị tăng thêm tăng bình quân 15,39%/năm, chiếm tỷ trọng ngày càng
cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (từ 9,58% năm 1992 lên 30,27 % năm 2022). Cơ
cấu nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển dịch mạnh, ngành công nghiệp chế biến,
chế tạo (giảm từ 95,9% năm 1992 xuống còn 47,43% năm 2022), ngành sản xuất và
phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (tăng từ
0,8% năm 1992 lên 46,6% năm 2022). Công nghiệp
chế biến nông, lâm, thuỷ sản được khuyến khích phát triển, chương trình khuyến
công đã hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp nông thôn đã bắt
đầu có tác động tích cực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi
thế của tỉnh. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển công nghiệp bảo quản
sau thu hoạch (bảo quản nông sản, hải sản) từng bước đổi mới, ứng dụng tiến bộ
khoa học kỹ thuật, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất và đầu tư mở rộng quy mô
công suất hoạt động, chuyển dần từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa, hiện đại
hóa trang thiết bị như trang bị hệ thống cấp đông băng chuyền, hệ thống làm sạch,
hệ thống băng chuyền đóng chai nước mắm tự động, áp dụng Chương trình quản lý
chất lượng tiên tiến HACCP, tiêu chuẩn BRC, HALAL.
Đến nay, toàn tỉnh hiện
có khoảng 739 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong
đó có 25 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, 24 doanh nghiệp kinh doanh
chế biến xuất khẩu nông sản, tập trung phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch
và đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm lợi thế của tỉnh theo
chiều sâu như chế biến thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, phát triển công nghiệp
chế biến rượu, nước giải khát từ quả thanh long, mủ trôm, tảo,… Ngày càng có
nhiều sản phẩm mới được đưa vào chế biến làm tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu,
đáp ứng ngày càng đa dạng hơn ở thị trường trong và ngoài nước; các mặt hàng xuất
khẩu chủ yếu như: hải sản đông – khô, sản phẩm gỗ, hạt điều, thanh long, cao
su… vẫn giữ được thị trường xuất khẩu và có tăng qua các năm.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển công
nghiệp khai thác, chế biến sâu quặng sa khoáng titan để hình thành Trung tâm chế
biến quặng sa khoáng titan mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận. Đến nay, tỉnh
đã có các nhà máy chế biến sâu (03 dự án nghiền bột
zircon của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường, Công ty Cổ phần Khoáng sản
Sông Bình và Công ty Liên doanh Khoáng sản Quốc tế Hải Tinh) hoạt động, tạo ra
các sản phẩm bột nghiền zircon có hàm lượng ZrO2 ≥ 65%, cỡ hạt ≤ 75
µm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến của tỉnh phát triển chưa mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; công nghiệp chế biến
sản phẩm nông nghiệp còn yếu, chưa thu hút được dự án lớn có trình độ công nghệ
cao, công nghệ hiện đại, chưa phát huy hiệu quả nguồn nguyên liệu của địa
phương; công nghiệp chế biến sâu titan có phát triển nhưng còn chậm do giá xuất khẩu khoáng sản giảm mạnh, công nghệ chế biến sâu
chưa được đầu tư đúng mức.
Công nghiệp sản xuất điện thuộc nhóm ngành hoạt động có hiệu quả nhất và có
đóng góp lớn trong nền kinh tế của tỉnh. Tỉnh Bình Thuận đã triển khai lập và
trình Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn
2016 - 2025 có xét đến năm 2035, Hợp phần I - Quy hoạch phát triển hệ thống điện
110 kV (Bộ Công Thương đã phê duyệt tại Quyết định số 4761/QĐ-BCT ngày 24 tháng
12 năm 2018) nhằm có cơ sở pháp lý cho ngành điện đầu tư xây dựng lưới điện phục
vụ phát triển kinh tế, xã hội và giải phóng công suất các dự án nguồn điện, điện
gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, để góp phần triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát
triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết
định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2050, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (Nghị
quyết số 06-NQ/ĐH ngày 16/10/2020) góp phần thực hiện chủ trương xã
hội hóa nguồn điện, huy động nguồn lực đầu tư vào tỉnh, khuyến khích và tạo mọi
điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham
gia phát triển năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát
triển kinh tế xã hội bền vững; Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo, đề xuất Bộ Công
Thương xem xét đưa vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (dự thảo Quy hoạch điện VIII) tất cả các dự
án, công trình nguồn, lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là đề xuất
các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất khoảng 25.200 MW để báo cáo Thủ
tướng Chính phủ xem xét ưu tiên phê duyệt danh mục phát triển các dự án nguồn
điện trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 nhằm khai thác lợi thế,
tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển Bình Thuận
thành Trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia, nhất là điện gió ngoài khơi. Đến nay, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện đã hoàn thành thi công xây dựng,
trong đó có 47 nhà máy điện đã vận hành, phát điện với tổng công suất 6.521 MW.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018
của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện mục tiêu đến
năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở
thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nhiệm
vụ phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, là
một trong ba trụ cột để phát triển kinh tế đã được xác định trong Nghị Quyết Đại
hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị Quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển
công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, tập trung đẩy mạnh
phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp sản xuất và phân phối điện là 02
ngành chủ lực trong phát triển công nghiệp của tỉnh nhà. Do đó, trong thời gian
tới, ngành Công Thương Bình Thuận cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp phát triển công
nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến để thúc đẩy chuyển
dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
nâng cao giá trị gia tăng, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GRDP ngành
công nghiệp; đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến đạt
21.982,5 tỷ đồng, chiếm 37,5% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, tốc
độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện đạt
14,5%/năm, chiếm tỷ trọng 60- 65% trong cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh./.
Minh Lý