Chuyển đổi số là xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh
hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh
tế, xã hội; mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bức
phá vươn lên. Ngày 18 tháng 3 năm 2022, Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Nghị quyết
số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm
2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Nghị quyết đưa ra quan điểm chỉ
đạo về đẩy mạnh chuyển đổi số theo 3 trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế
số và xã hội số; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu,
động lực của chuyển đổi số; ứng dụng nền tảng số hướng đến nâng cao chất lượng
sống của nhân dân và sự phát triển của doanh nghiệp.
Với mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng
tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đổi mới căn bản,
toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống
chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của
người dân thông qua chuyển đổi số. Thông qua phát triển kinh tế số để góp phần
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bình
Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Để hoàn thành mục
tiêu, Nghị quyết đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp
ủy, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển
đổi số: tăng
cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị
quyết của Trung ương về chuyển đổi số; phát huy vai trò của người đứng đầu…
Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính
sách gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số: chỉ
đạo tổ chức cụ thể hóa, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nghị
quyết, chỉ thị, chương trình chuyển đổi số quốc gia và các cơ chế, chính sách
của Trung ương về chuyển đổi số…
Ba
là, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi
số: tranh thủ tối đa và phát huy hiệu quả nguồn vốn Trung ương và các
nguồn vốn hợp pháp khác thông qua các chương trình, đề án thực hiện chuyển đổi
số…
Bốn
là, đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các lĩnh vực
ưu tiên thực hiện chuyển đổi số: chú trọng 09 lĩnh vực cần
ưu tiên chuyển đổi số là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, du lịch,
tài nguyên và môi trường, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục và đào tạo,
hành chính công.
Năm
là, tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển
đổi số: tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ trang thiết bị và giải pháp
kỹ thuật để giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự
cố về an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số, phát triển chính
quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đối với ngành công thương cần tập trung trong lĩnh vực ưu
tiên chuyển đổi số, gồm:
1. Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp: Xây dựng cơ sở dữ liệu
về các khu, cụm công nghiệp, về tiềm năng phát triển công nghiệp, nhất là công
nghiệp năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh,…. Đẩy mạnh
sử dụng các nền tảng số trong quản trị sản xuất, kinh doanh và tăng cường ứng
dụng công nghệ số trong quản lý, vận hành và sản xuất thông minh trong các
doanh nghiệp, nhà máy, khu sản xuất công nghiệp.
Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy thông minh,
vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao,
xây dựng dịch vụ về dữ liệu.
2. Chuyển đổi số
trong lĩnh vực thương mại: Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử; xây dựng
thị trường thương mại điện tử lành mạnh và phát triển bền vững; gắn kết giữa doanh
nghiệp thương mại điện tử với các cơ sở sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi
cung ứng; khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp bằng các mô hình
kinh doanh thương mại điện tử; đưa thương mại điện tử trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, xã hội số nhằm tăng hiệu quả kinh
doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.