Ngành Công Thương bình thuận thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
“Mục
tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG) là mục tiêu phổ
quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất
cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia
thành viên Liên hiệp quốc. SDG là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên
niên kỷ (Millennium Development Goals - MDG).”
Ngày 10/5/2017, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự
2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững
với 115 mục tiêu cụ thể. Sau đó, Quyết định số 681/QĐ-TTg về Lộ trình thực hiện
các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 đã được ban hành ngày
04/6/2019.
Ngày 22/01/2020, Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-UBND về
việc ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển
bền vững Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030; Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4917/QĐ-BCT ngày 29/12/2017
về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Kế hoạch hành động quốc gia
thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Sở Công Thương
Bình Thuận đã xây
dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên lĩnh vực ngành, gồm 05 nhóm mục tiêu với 11 mục tiêu cụ thể.
Nhà máy điện mặt trời Đa Mi tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận
Bắc,
tỉnh Bình Thuận.
Thời gian qua, ngành Công Thương Bình Thuận đã triển khai thực hiện
quyết liệt Kế hoạch của ngành bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ
đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các
nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực của
ngành. Lồng ghép trong quá trình xây dựng các quy hoạch, kế hoạch ngành Công
Thương 5 năm, hàng năm
và trong các chương trình hành động sản xuất tiêu dùng bền vững, tăng trưởng
xanh, kinh tế tuần hoàn. Kịp thời tham mưu
giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; tham mưu
triển khai chính sách về phát triển bền vững tạo điều kiện phát huy nguồn lực
kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp trên lĩnh vực ngành tham gia thực hiện các mục
tiêu về phát triển bền vững, nổi bật là qua hơn 02 năm thực hiện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Tỷ lệ tiếp
cận điện năm 2022 đạt 99,81%, phấn đấu đến
năm 2025 đạt 100%, đến năm 2030 đảm bảo
tiếp cận toàn dân đối với các dịch vụ năng lượng trong khả năng chi trả, đáng
tin cậy và hiện đại. Thúc đẩy công nghiệp hóa, thực hiện đầu tư nâng cấp kết cấu
hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và các ngành công nghiệp hỗ trợ hướng đến sự bền
vững, cơ cấu giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GRDP năm 2020 đạt 30,65%,
năm 2021 đạt 29,47%, năm 2022 đạt 28,64%. Đã và đang từng bước xây dựng hệ thống
phân phối xanh thông qua hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng
tiện lợi. Hỗ trợ tiếp cận thị trường các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị thông
qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trong cả nước.
Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu
năm 2020 đạt 473,20 triệu USD, năm 2021 đạt 630,33 triệu USD, năm 2022 đạt 781,54
triệu USD. Đã thực hiện 08 đề án khuyến công đổi mới máy móc thiết bị tại các
doanh nghiệp (03 đề án nhóm, 05 đề án riêng lẻ) với tổng kinh phí hỗ trợ là 3,3
tỷ đồng (nguồn Khuyến công quốc gia hỗ trợ 3 tỷ đồng, khuyến công địa phương hỗ
trợ 300 triệu đồng).
Bên cạnh những
kết quả đạt được ngành Công Thương Bình Thuận vẫn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế như: tình
hình kinh tế - xã hội trên thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc thu
hút đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân; tiêu thụ sản phẩm,
thị trường xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; người sản xuất đang ở trong
tình trạng khó khăn “kép” về chi phí sản xuất cho đầu vào tăng, trong khi chuỗi
tiêu thụ gián đoạn. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng;
kinh tế phát triển chưa vững chắc; chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, sức cạnh
tranh còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ. Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh
đa số là quy mô nhỏ, nguồn vốn còn hạn chế, công nghệ chế biến chưa cao, chất
lượng và mẫu mã hàng hóa chưa đa dạng, tính cạnh tranh thấp. Huy động, sử dụng
các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung nguồn lực
nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực
hiện còn hạn chế, chưa hiệu quả.
Trong thời gian
tới, ngành Công Thương Bình Thuận sẽ tập trung một số giải pháp nhằm đạt được mục
tiêu phát triển bền vững sau:
Thứ nhất, triển
khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm
nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -
2030.
Thừ hai, tuyên
truyền nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần
hoàn cho các đối tượng liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp, giúp cộng đồng
doanh nghiệp quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác, sử dụng
tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường… trong quá trình hoạt động sản
xuất kinh doanh.
Thứ ba, rà
soát, hoàn thiện các chính sách trong các lĩnh vực ngành để tạo môi trường đầu
tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy thu hút có hiệu quả các nguồn
lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đa dạng hóa nguồn lực, khai thác tiềm năng
của khu vực kinh tế tư nhân trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền
vững.
Thứ tư, ưu tiên
sử dụng nguồn lực cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về phát triển bền
vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trên lĩnh vực ngành.
Gần đây nhất Văn phòng
Chính phủ đã ban hành
Thông báo số 85/TB-VPCP ngày 21/3/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần
Hồng Hà tại cuộc họp về Dự thảo Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền
vững Việt Nam đến năm 2030. Các Bộ,
ngành được giao chủ trì thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiếp tục hoàn thiện
các tiêu chí, phương pháp thống kê, số hóa, ứng dụng công nghệ để tổng hợp,
đánh giá kết quả thực hiện đối với từng mục tiêu, chỉ tiêu. Trong thời gian tới, ngành Công Thương Bình Thuận sẽ phấn đấu triển
khai toàn diện các nhiệm vụ giải pháp, xây dựng lộ trình để thực hiện thành
công các mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất tiêu dùng bền vững ngành Công
Thương đến năm 2030./.