Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận 6 tháng đầu năm 2023
Lượt xem: 196
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước (đứng vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố), trong đó: nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,69%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,03% (bao gồm: công nghiệp tăng 5,53%, xây dựng tăng 10,14%); dịch vụ tăng 13,64%.
Anh-tin-bai

Sản xuất giày - Công ty TNHH Quốc tế Right Rich tai KCN Hàm Kiệm II, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) toàn ngành 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phát triển, ước đạt 20.435,33 tỷ đồng (đạt 49,39% kế hoạch năm, tăng 3,51% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó: Công nghiệp khai khoáng ước đạt 1.488,13 tỷ đồng, đạt 45,44% kế hoạch năm, tăng 8,23%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 10.256,83 tỷ đồng, đạt 48,61% kế hoạch năm, tăng 0,58%; sản xuất và phân phối điện ước đạt 8.569,71 tỷ đồng, đạt 51,25% kế hoạch năm, tăng 6,46%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải ước đạt 120,66 tỷ đồng, đạt 43,25% kế hoạch năm, tăng 0,28%.

Có 08/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Cát sỏi các loại tăng 0,67%; đá khai thác tăng 13,87%; nước mắm tăng 26,52%; hạt điều nhân tăng 20,9%; quần áo may sẵn tăng 17,81%; nước máy sản xuất tăng 4,89%; điện sản xuất tăng 10,21%; sơ chế mủ cao su tăng 6,99%. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế do suy giảm kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhu cầu tiêu dùng chưa được phục hồi trong ngắn hạn, giảm sút các chuỗi cung ứng như các mặt hàng: dệt may, da giày, khoáng sản, đồ gỗ,... Tỉnh Bình Thuận cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung của cả nước. Các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao và đơn đặt hàng giảm sút làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện 330,7 triệu USD, đạt 40,38% kế hoạch năm, giảm 16,92% so cùng kỳ. Do đó, khả năng hoàn thành chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2023 của tỉnh Bình Thuận là rất khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay một số chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện; những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do; đồng thời, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; trong 6 tháng còn lại của năm 2023, ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, cố gắng phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao, trong đó có chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (đạt 41.377 tỷ đồng), góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, cụ thể:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 2068/KH-SCT ngày 19 tháng 8 năm 2021 của Sở Công Thương thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao về triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận.

Hai là, tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các Cụm công nghiệp: Sông Bình, Nghĩa Hòa, Đông Hà, Nam Hà, Nam Hà 2, Tân Bình 1, Nghị Đức để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

Ba là, tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là chế biến nông - lâm - thủy sản và các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Bốn là, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn triển khai xây dựng các công trình nhà máy điện, chuẩn bị hồ sơ thủ tục đầu tư, triển khai thi công các công trình đường dây 220 kV, 110 kV trên địa bàn tỉnh.

Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về tổ chức thị trường, lưu thông hàng hóa; theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo áp dụng các biện pháp nhằm bình ổn thị trường, giá cả. Tham mưu triển khai các nội dung liên quan đến công tác Hội nhập quốc tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó ưu tiên các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh. Làm tốt công tác dự báo thông tin thị trường; tuyên truyền, triển khai các chương trình nhằm phát huy lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…). để đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục thực hiện chương trình kết nối cung cầu đưa các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm lợi thế của tỉnh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước.

Sáu là, đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trên lĩnh vực ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành; nâng cấp sàn thương mại điện tử ngành Công Thương; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa, sản phẩm của tỉnh lên sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Bảy là, làm việc với các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư cụm công nghiệp để trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đưa vào hoạt động./.

M.L - VP Sở
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 0
  • Hôm nay: 902
  • Trong tuần: 8 263
  • Tháng hiện tại: 30 542
  • Tổng lượt truy cập: 1577772
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang