Chính phủ dự kiến trình Quốc hội Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại kỳ họp thứ 9
Ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính
phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận về: Dự án Luật Năng
lượng nguyên tử (sửa đổi); dự án Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;
dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; đề nghị xây dựng Luật Doanh
nghiệp (sửa đổi).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các cơ quan chủ trì đã tích
cực chuẩn bị, nghiêm túc tiếp thu, giải trình, các ý kiến phát biểu rất tâm
huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, chất lượng của các đại biểu; đề nghị các bộ
trưởng chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương hoàn thiện, chủ động phối
hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, tiếp thu, hoàn thiện, trình
các dự án luật.
Về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả do Bộ Công
Thương xây dựng, Thủ tướng đề nghị rà soát để phạm vi, đối tượng điều chỉnh
rộng hơn, gồm cả 5 khâu là nguồn điện, tải điện, sử dụng, phân phối và giá
điện; gồm các chủ thể sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên
họp. Ảnh: VGP
Phát biểu kết luận chung phiên họp, người đứng đầu Chính phủ cho
rằng, đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển; thể chế là đột phá của đột
phá, nhưng hiện vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nên đầu tư cho thể chế là đầu
tư hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới tư duy, cách tiếp cận
với tinh thần thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện pháp luật phù hợp tình hình thực
tế diễn biến rất nhanh. Bảo đảm quy định có tính khả thi cao, vừa đáp ứng yêu
cầu cấp bách, trước mắt, nhưng cũng bền vững, ổn định tương đối với tư duy
"nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn".
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây
dựng pháp luật . Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ
quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, dành
thời gian, công sức, trí tuệ cho công tác này; ưu tiên nguồn lực, cơ sở vật
chất, sử dụng công nghệ để xây dựng pháp luật đảm bảo nhanh, chất lượng, hiệu
quả. Qua đó, giải phóng toàn bộ sức sản xuất gồm tư liệu sản xuất, tài nguyên,
nguồn lực con người, truyền thống lịch sử văn hoá… và mọi nguồn lực khác cho
phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình đề xuất, bổ sung, sửa đổi, hoàn
thiện các quy định pháp luật phải đảm bảo 6 rõ: Những nội dung lược bỏ; những
nội dung sửa đổi, hoàn thiện; những nội dung bổ sung; những nội dung cắt giảm,
đơn giản hóa thủ tục hành chính; những nội dung phân cấp, phân quyền; những vấn
đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình
Quốc hội các luật, nghị quyết tại các phiên họp sắp tới bảo đảm tiến độ, chất
lượng. Tại phiên họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến Chính phủ sẽ trình
Quốc hội khoảng 30 dự án luật, nghị quyết.
Theo:
Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công
Nguồn tin: tietkiemnangluong.com.vn