Thực hiện tăng cường công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và sử dụng điện an toàn, đảm bảo an toàn điện trong nhân dân trên địa bàn tỉnh
Để công tác bảo vệ hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp và sử dụng điện đạt hiệu quả, đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục, tránh gây sự cố lưới điện, ổn định trong công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý vận hành của ngành điện, giảm tai nạn điện đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, giảm thiểu các trường hợp sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp đến;
Sở Công Thương có công văn số 2610/SCT-QLĐ ngày 06/10/2020 về việc thực hiện tăng cường công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và sử dụng điện an toàn, đảm bảo an toàn điện trong nhân dân trên địa bàn tỉnh, gửi các Sở ngành, UBND các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết, các đơn vị điện lực và các đơn vị liên quan, đề nghị các cơ quan, đơn vị xem xét triển khai phối hợp, chỉ đạo và thực hiện các nội dung công việc như sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2244/UBND-KTN ngày 10/7/2015 về việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo an toàn điện trên địa bàn tỉnh (gửi kèm theo);
2. Xem xét triển khai phối hợp, chỉ đạo và thực hiện các nội dung công việc như sau:
2.1. Thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với ngành điện, đơn vị điện lực thực hiện kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) và vi phạm an toàn trong sử dụng điện.
2.2. Phối hợp với các đơn vị điện lực có kế hoạch và kiểm tra thường xuyên lưới điện, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật để làm cơ sở răn đe và ngăn chặn tái vi phạm.
2.3. Các địa phương phối hợp, hỗ trợ các đơn vị điện lực giải quyết, xử lý các công trình, nhà cửa, cây xanh, khai thác mỏ, khoáng sản, … vi phạm HLATLĐCA có nguy cơ gây sự cố lưới điện theo đúng quy định pháp luật, tránh trường hợp phát hiện đã tuyên truyền, cảnh báo, lập biên bản vi phạm nhưng không xử lý dứt điểm nên sự cố, tai nạn vẫn xảy ra. Thực hiện việc cấp phép xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 49 và khoản 2, Điều 51, Luật Điện lực số 28/2004/QH11 ngày 31/12/2004 của Quốc hội.
2.4. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho người dân, doanh nghiệp hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn trong sử dụng điện và bảo vệ HLATLĐCA bằng nhiều hình thức thực hiện như: Phát bản tin, phóng sự phát trên đài phát thanh, truyền hình địa phương; tuyên truyền trong trường học, tổ dân phố… để xây dựng ý thức sử dụng điện an toàn và bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, không để xảy ra các tai nạn điện trong nhân dân.
2.5. Các đơn vị quản lý lưới điện cao áp, các đơn vị điện lực có trách nhiệm:
- Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh, đài truyền hình địa phương) đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn trong sử dụng điện và bảo vệ HLATLĐCA, đưa thông tin, hình ảnh về các vụ việc vi phạm HLATLĐCA trên địa bàn mình quản lý nhằm tuyên truyền, ngăn ngừa các hành vi tương tự, tổ chức rút kinh nghiệm trong cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ kiểm tra viên điện lực tại cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra các hoạt động điện lực, công tác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn điện.
- Tăng cường tập huấn kiến thức pháp luật về hoạt động điện lực, sử dụng điện cho cán bộ, công nhân kỹ thuật tại đơn vị mình quản lý.
- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra trong quá trình vận hành hệ thống, đặc biệt là các vị trí trạm biến áp không người trực, các khu có tốc độ tăng trưởng phụ tải nóng bất thường, các tuyến đường dây có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn đối với người dân và doanh nghiệp.
2.6. Các địa phương, lực lượng thực thi pháp luật (công an, toà án…) phối hợp cùng ngành điện kiên quyết xử lý, ngăn chặn các hành vi có khả năng hoặc gây sự cố lưới điện, tai nạn điện làm ảnh hưởng trực tiếp đời sống xã hội như: thả diều, bắn kim tuyến gần đường dây điện cao áp, sử dụng điện rà cá, bẫy chuột, trộm cắp vật tư thiết bị công trình điện, khai thác mỏ, khoáng sản, …
2.7. Các địa phương phối hợp, hỗ trợ các đơn vị điện lực kiểm tra, xử lý đường dây mất an toàn sau điện kế, dây câu đuôi; hướng dẫn thiết kế lắp đặt đường dây, sử dụng vật tư, thiết bị điện an toàn theo đúng tiêu chuẩn đặc biệt là vùng nuôi tôm, vùng trồng cây thanh long, … để hạn chế tối đa tai nạn điện cho người dân. Kiên quyết ngừng cung cấp điện các khách hàng bán điện sai quy định và sử dụng điện không đảm bảo an toàn sau khi đã hướng dẫn và gửi các thông báo theo quy định.
2.8. Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Bình Thuận và Ban Quản lý Công trình công cộng các huyện, thị xã La Gi hỗ trợ, phối hợp Công ty Điện lực Bình Thuận trong công tác phát quang cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp nếu không đảm bảo khoảng cách theo quy định và có nguy cơ ngã đổ vào đường dây điện, khi mưa bão xảy ra./.
Nguồn tin: Phòng Quản lý Điện và Năng lượng