Trên 85% người tiêu dùng quan tâm, sử dụng sản phẩm dán nhãn năng lượng
Công tác tiết kiệm điện luôn được Bộ Công Thương xem là một trong những
giải pháp quan trọng để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt
của nhân dân.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực
giúp đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, bảo đảm an
ninh năng lượng quốc gia.
Từ đầu năm, Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với ngành điện
tập trung triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là kêu
gọi người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát
triển bền vững, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ về vấn đề này.
![]()
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm
năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
Tiết kiệm năng lượng nói chung và sử dụng nguồn điện năng tiết
kiệm nói riêng có ý nghĩa như nào trong bối cảnh hiện nay?
Ông Phương Hoàng Kim:
Năm 2023 hiện tượng El Nino làm cho nền nhiệt tăng cao và lượng
mưa giảm. Mực nước tại nhiều hồ thủy điện trên cả nước đã ở trong tình trạng
thấp hoặc dưới mực nước chết nên dự báo việc cung cấp điện trong mùa hè năm nay
gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, để đạt tăng trưởng GDP bình quân từ 6 -
7%/năm thì mỗi năm tăng trưởng điện phải đạt trên 9% mới đáp ứng được các nhu
cầu sản xuất, tiêu dùng và phục vụ đời sống dân sinh.
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng, trong đó có
điện năng đang trở thành vấn đề cấp bách, là giải pháp quan trọng giúp giảm áp
lực cung cấp điện, góp phần đảm bảo điện cho sinh hoạt, sản xuất. Đây cũng là
giải pháp trực tiếp giảm hóa đơn tiền điện phải chi trả cho mỗi doanh nghiệp và
người dân. Do đó, tiết kiệm điện cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và
mỗi người dân.
Ngày 08/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số
20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp
theo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp
theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng
tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025;
phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện
mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; đến hết năm 2025 phấn đấu 100% chiếu sáng
đường phố sử dụng đèn LED. Thủ tướng chỉ đạo, tăng cường thực hiện tiết kiệm
điện đồng bộ tại cơ quan, công sở, hộ gia đình, chiếu sáng công cộng, các cơ sở
kinh doanh thương mại và dịch vụ, trong đó đặc biệt chỉ thị việc thực hiện tiết
kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất.
![]()
Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn 2023-2025 và
các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng
điện năng tiêu thụ
Vậy để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường
tiết kiệm điện, Bộ Công Thương đã và có những giải pháp cụ thể nào?
Ông Phương Hoàng Kim:
Công tác tiết kiệm điện luôn được Bộ Công Thương xem là một trong
những giải pháp quan trọng trong các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền
kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Để tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao, ngay từ
đầu mùa khô năm 2023, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo và chương trình hành
động rất mạnh mẽ để thúc đẩy chương trình tiết kiệm điện ở các địa phương. Cụ
thể, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, các chính quyền địa phương và với các
khách hàng sử dụng điện, nhất là khách hàng sử dụng điện lớn để quán triệt,
tăng cường công tác tiết kiệm điện.
Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã phát động Tiết kiệm điện toàn quốc
năm 2023. Chương trình nhận được sự cam kết của 63 tỉnh, thành phố, các công ty
điện lực và đặc biệt là các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Tổ
chức các hội nghị, toạ đàm về tiết kiệm điện với mục tiêu đẩy mạnh các giải
pháp, các sáng kiến và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng
đồng về việc tiết kiệm điện, đảm bảo nguồn cung ứng điện cho năm 2023, đặc biệt
trong mùa nắng nóng.
![]()
Lãnh đạo Bộ Công Thương và các địa phương,
doanh nghiệp phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023
Thúc đẩy chuyển đổi thị trường phương tiện thiết bị sử dụng năng
lượng hiệu suất cao, loại bỏ trang thiết bị hiệu suất thấp, lạc hậu thông qua
Chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện tiêu thụ
năng lượng lớn trên thị trường. Việc triển khai chương trình dán nhãn năng
lượng và chương trình loại bỏ phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng hiệu
suất thấp được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg
ngày 24 tháng 5 năm 2023 về danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng
năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng
mới.
Bộ Công Thương tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát về tiết
kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương,
với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng
lượng để kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng năng
lượng tiết kiệm, hiệu quả và chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường
tiết kiệm điện giai đoạn đến năm 2025.
Trong tháng 3 năm 2023, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị
liên quan tổ chức loạt sự kiện hưởng ứng Giờ Trái đất như: Cuộc thi trực tuyến
tìm hiểu kiến thức về Chiến dịch Giờ Trái đất; Hoạt động tắt đèn trong 60 phút
hưởng ứng Giờ Trái đất; Giải chạy hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023, cùng
với đó là các hoạt động truyền thông, cam kết tiết kiệm năng lượng của các tổ
chức và doanh nghiệp trên toàn quốc…
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng tiết kiệm điện hiện nay tại Việt
Nam, đặc biệt là tại các doanh nghiệp trọng điểm?
Ông Phương Hoàng Kim:
Tôi cho rằng, hiện nay, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt
Nam còn rất lớn. Từ các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) cho thấy các ngành
công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc,
với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Mặc dù phần lớn doanh
nghiệp đều nắm rõ luật, các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi hoặc triển khai mang tính hình
thức.
![]()
Hiện cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng
trọng điểm, tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm
Trên cơ sở "Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
năm 2021" được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp có mức tiêu
thụ năng lượng từ 1.000 TOE hoặc 6 triệu kWh điện/năm trở lên hiện cả nước có
3.068 cơ sở, hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp
này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này
thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20
về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 của Thủ tướng Chính phủ)
thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với
tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong khối công nghiệp là rất lớn.
Theo ông đâu là giải pháp để có thể khai thác tối đa tiềm năng này?
Ông Phương Hoàng Kim:
Như đã nói ở trên, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ngành công
nghiệp của Việt Nam lên tới 30 - 35%. Để khai thác tối đa tiềm năng này không
những chú trọng đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm mà cần thực hiện các
giải pháp truyền thông tới tất cả các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở
lên. Cụ thể, các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm
ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm.UBND các tỉnh,
thành phố cần triển khai hiệu quả kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả (SDNLTK&HQ) tại địa phương đối với các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu
kWh/năm trở lên.
Tăng cường kiểm tra, giám sát cường độ năng lượng sử dụng trong
sản xuất, kinh doanh của các đơn vị tiêu thụ năng lượng trọng điểm.
Các Sở Công Thương, đơn vị tư vấn về SDNLTK&HQ phối hợp với
ngành điện tổ chức các đợt tuyên truyền/tư vấn tới các cơ sở sử dụng điện từ 1
triệu kWh/năm trở lên các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Hình
thức tuyên truyền trực tiếp hoặc qua các Hội thảo/hội nghị chuyên đề nhằm nâng
cao nhận thức của người đứng đầu và đội ngũ CBNCN và người lao động trong doanh
nghiệp.
Đặc biệt, giới thiệu, nhận rộng các mô hình tiết kiệm điện đã
triển khai thành công của một số doanh nghiệp tiên phong, đi đầu.
![]()
Các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm
hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng
lượng lên tới 30 - 35%
Để chương trình tiết kiệm điện đạt hiệu quả, Bộ Công Thương sẽ tập
trung vào giải pháp gì trong năm 2023?
Ông Phương Hoàng Kim:
Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản điều
hành quản lý: Trên cơ sở Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tiếp
tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản điều hành quản lý để thực
sự đưa được các quy định pháp lý vào thực tế. Đặc biệt cần đưa ra được những
chính sách thích hợp về công nghệ (để loại bỏ dần các công nghệ sử dụng năng
lượng có hiệu suất thấp trên thị trường và thúc đẩy các công nghệ hiệu suất
cao, tiếp tục bổ sung một số nhóm sản phẩm, thiết bị thích hợp vào lộ trình dán
nhãn cho giai đoạn 2021-2030). Bên cạnh các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ
doanh nghiệp trong thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng, trong thời gian
tới, các hoạt động kiểm tra giám sát của Cơ quan quản lý nhà nước sẽ được tăng
cường. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ
quy định về hiệu suất năng lượng của các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm
ra thị trường.
Bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ: Các tiêu
chuẩn hiệu suất năng lượng và công nghệ cần được sửa đổi, cập nhật, nâng cao
dần theo trình độ phát triển công nghệ trong nước để tùng bước hội nhập với
tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng thông tin về sản phẩm dán
nhãn năng lượng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp: Một trong những yếu tố quyết
định thành công của hoạt động dán nhãn năng lượng là nâng cao nhận thức và sự
quan tâm của người tiêu dùng để họ chủ động chọn mua các sản phẩm tiết kiệm
năng lượng chứ không chỉ quan tâm thuần túy về giá cả hay thương hiệu như trước
đây.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động tuyên
truyền tiết kiệm điện như đã thực hiện nhiều năm qua, với tinh thần triển khai
tuyên truyền tiết kiệm điện lan tỏa nhiều hơn, quyết liệt hơn theo đúng chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan triển
khai một số chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện như: Tổ chức Giải báo chí
toàn quốc về đề tài tiết kiệm năng lượng; tổ chức cuộc thi toàn quốc tìm hiểu
tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phối hợp với Sở Công Thương, UBND tỉnh, Thành phố thực hiện các
giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về tiết
kiệm điện.
Kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xây dựng và thực thi các cơ chế
về tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các cơ chế
tài chính ưu đãi, để đầu tư vào các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng,
thay thế các dây chuyền, máy móc cũ bằng hệ thống máy móc hiện đại, hiệu quả sử
dụng công nghệ cao hơn.
Tăng cường hợp tác quốc tế: Trong hoàn cảnh Việt Nam chưa có nhiều
kinh nghiệm và nguồn lực để thực hiện tiết kiệm năng lượng và dán nhãn năng
lượng như nhu cầu mong muốn thì sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế có
vai trò vô cùng quan trọng, là đòn bẩy có tác động thúc đẩy phát triển thị
trường thiết bị hiệu suất cao và chương trình dán nhãn năng lượng ở nước
ta.
Trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương đang đẩy
mạnh việc hỗ trợ đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công
nghiệp; Triển khai chương trình các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận tự nguyện
thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện; Hỗ trợ xây
dựng, triển khai áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO
50001:2018 cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, Hỗ trợ kiểm toán năng lượng, tư
vấn thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp.
Thông qua các nguồn lực của Chương trình quốc gia về sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất trong việc
giám sát suất tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất thông qua tổ chức
các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý
nhà nước tại địa phương và các cán bộ quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng
năng lượng trọng điểm tại các doanh nghiệp. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn
chuyên ngành về các giải pháp quản lý công nghệ trong tiết kiệm năng lượng để
giúp cho doanh nghiệp có thể áp dụng các sáng kiến, giải pháp, nâng cao hiệu
quả sử dụng năng lượng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra, giám sát các đơn vị tiêu thụ
nhiều năng lượng sẽ tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh thực hiện để đảm bảo tuân
thủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các quy
định về tiết kiệm điện.
Xin cảm ơn ông!
Tác
giả: Anh Thư
Nguồn tin: tietkiemnangluong.com.vn