Thực trạng và giải pháp thực hiện Chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra
Lượt xem: 513
  Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/3/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để cụ thể hóa các c hủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia.  Có thể nói, với sự tác động mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã có ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra với vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước thì cũng không ngoại lệ. Từ đó đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức đối với việc đổi mới tổ chức, hoạt động thanh tra, kiểm tra.  

Để “không bị bỏ lại phía sau” trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, đội ngũ công chức làm công tác thanh tra kiểm tra của Sở đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các kế hoạch hành động về thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực Công Thương, đạt được một số kết quả nhất định, thể hiện trên các mặt như sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra;  tích cực tham gia viết tin, bài đăng tải và phát hành trên Trang thông tin điện tử, Bản tin Công Thương của Sở....về hoạt động chuyển đổi số trên lĩnh vực thanh tra, kiểm tra.   

Nâng cấp, sửa chữa, trang bị mới trang thiết bị như máy vi tính, máy in, hạ tầng mạng... cho đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra của ngành nhằm đảm bảo triển khai tốt các phần mềm ứng dụng của tỉnh, Thanh tra Chính phủ.

Đội ngũ công chức của ngành đã khai thác, sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung của tỉnh như Phần mềm Quản lý Văn bản và điều hành; Phần mềm điều hành chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận; Phần mềm quản lý cán bộ, công chức; Phần mềm 1 cửa điện tử; Hệ thống Thư điện tử tỉnh; Hệ thống cơ sở dữ liệu về báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ; Hệ thống báo cáo thống kê các chỉ số công nghiệp, thương mại qua phần mềm của Bộ Công Thương, Cục Thống kê, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Chính phủ...

Số hóa 100% hồ sơ văn bản đến, đi của ngành qua hệ thống thông tin quản lý của ngành (trừ văn bản mật). Từ năm 2024, bộ phận Thanh tra Sở đã đăng ký và đưa vào sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật của Thanh tra Sở, chứng thư số cho Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra Sở; đồng thời đăng ký mở sổ văn bản điện tử liên quan hoạt động thanh tra trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Sở. Đã triển khai số hóa và kết nối liên thông trong việc gửi nhận văn bản điện tử (trừ văn bản mật và văn bản đi của các đoàn thanh tra, kiểm tra) giữa Thanh tra Sở với các cơ quan, đơn vị có liên quan hoạt động thanh tra chuyên ngành (chưa bao gồm đối tượng thanh tra là cơ sở doanh nghiệp).

100% lãnh đạo các phòng, đơn vị đội ngũ công chức, viên chức tham gia công tác thanh tra, kiểm tra đã được tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số theo Kế hoạch của Sở.

Tuyên truyền, quán triệt 100% công chức, viên chức của ngành (bao gồm đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra) triển khai cài đặt ứng dụng Công dân số (CDS Bình Thuận), VssID, VNeID, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh mức độ 1, mức độ 2 và xác thực điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: tỷ lệ hoạt động kiểm tra được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin quản lý của cơ quan chưa thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của công chức liên quan chưa phân biệt rõ hoạt động thanh tra, kiểm tra có thiết chế xử lý vi phạm hành chính với hoạt động kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước để nắm tình hình, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và hoạt động tự kiểm tra nội bộ của ngành. Còn gộp chung hoạt động thanh tra với kiểm tra là một và mặc định nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chỉ là nhiệm vụ riêng của Thanh tra Sở. Số lượng cơ sở, doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Công Thương đa số có quy mô nhỏ, lẻ, tư duy kiểu cũ, truyền thống, nghiệp vụ ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin còn yếu, nhiều bất cập. Thậm chí, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân không có máy vi tính, máy in, không áp dụng các ứng dụng phần mềm trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có trụ sở hoạt động và địa điểm cơ sở sản xuất, kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa với hạ tầng mạng thiếu và yếu.

Từ thực trạng trên, để đạt được chỉ tiêu tỷ lệ % hoạt động kiểm tra thông qua môi trường số và hệ thống thông tin quản lý của cơ quan (không bao gồm hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra chuyên ngành có thiết chế xử lý vi phạm hành chính), cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, hàng năm, ngoài danh mục các cuộc thanh tra kèm theo Quyết định phê duyệt Kế hoạch thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cần thiết phải ban hành Kế hoạch kiểm tra các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành đối với một số địa phương, cơ sở, doanh nghiệp trên các lĩnh vực cần tập trung chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước của ngành của năm đó (không bao gồm các hoạt động kiểm tra tiền kiểm để cấp phép hoạt động của các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có điều kiện và kiểm tra hậu kiểm có thiết chế xử lý vi phạm hành chính). Đây là Kế hoạch chung, gồm nhiều cuộc kiểm tra trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, trong đó tùy theo lĩnh vực và đối tượng, quy mô của từng cuộc kiểm tra mà đề xuất áp dụng hình thức kiểm tra trực tiếp hay kiểm tra thông qua môi trường số và hệ thống thông tin quản lý của cơ quan.

Thứ hai, để đảm bảo đủ hồ sơ kiểm chứng của hoạt động kiểm tra trực tuyến, khi triển khai các hoạt động kiểm tra theo Kế hoạch đã được Giám đốc Sở phê duyệt hàng năm, các phòng được giao chủ trì mỗi cuộc kiểm tra cần triển khai đảm bảo tối thiếu hai hồ sơ thành phần bắt buộc gồm: (1) Quyết định kiểm tra là Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra đối với từng cuộc kiểm tra có trong danh mục của Kế hoạch kiểm tra được phê duyệt và (2) Thông báo Kết luận kiểm tra là văn bản do Trưởng đoàn kiểm tra là Lãnh đạo Sở ký số và phát hành qua hệ thống thông tin quản lý của ngành hoặc do Giám đốc Sở ký số (đối với trường hợp Trưởng đoàn kiểm tra không phải là Lãnh đạo Sở).

          Thứ ba, trên cơ sở Kế hoạch kiểm tra được Giám đốc Sở phê duyệt, các phòng chuyên môn báo cáo kết quả thực hiện gửi Văn phòng Sở (qua Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Sở) để thẩm định, đánh giá kết quả thực hiện để đối chiếu các thành phần hồ sơ kiểm chứng liên quan, đưa ra nhận xét để rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp cụ thể cho năm sau./.

Thanh tra Sở
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập