Tiết kiệm điện trong môi trường làm việc
Lượt xem: 534
Để triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3), Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện và để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển bền vững đất nước, việc triển khai thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động thường ngày cũng cần được chú trọng.

Tiết kiệm điện trong môi trường làm việc. 

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng tại các cơ sở sử dụng năng lượng không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Sau đây là chia sẻ của các chuyên gia về giải pháp tiết kiệm điện trong môi trường làm việc:

Sử dụng các thiết bị có dán nhãn năng lượng

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thiết bị điện gia dụng thế hệ mới được dán nhãn năng lượng như: máy điều hòa, quạt điện, bóng đèn chiếu sáng huỳnh quang compact, bình đun nước nóng có dự trữ, balast điện tử… Mức tiêu thụ điện năng của các thiết bị điện có nhãn năng lượng là rất thấp, nhờ thế mà nếu áp dụng giải pháp này sẽ tiết kiệm được rất nhiều lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng.

Nhãn năng lượng với hai loại nhãn là Nhãn xác nhận sản phẩm đạt mức hiệu suất năng lượng cao và Nhãn so sánh cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về hiệu suất năng lượng tương ứng mức từ 1 sao đến 5 sao. Số sao càng nhiều, hiệu suất năng lượng càng lớn. Người tiêu dùng, khi chọn mua các sản phẩm thuộc nhóm đối tượng phải dán nhãn năng lượng có thể căn cứ vào nhãn năng lượng được dán trên thiết bị để so sánh hiệu suất năng lượng từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Chương trình tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng bắt đầu từ những năm 1970 được triển khai tại 80 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Chương trình dán nhãn năng lượng bắt đầu triển khai từ năm 2008, Bộ Công Thương đã triển khai theo hình thức tự nguyện, bắt buộc thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Nhãn năng lượng là công cụ hiệu quả trong thúc đẩy thị trường cho các phương tiện và thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

Tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và nguồn không khí tự nhiên

Theo các chuyên gia, khi làm việc thì nên mở cả cửa sổ và cửa chính để lưu thông không khí, ánh sáng mặt trời chiếu vào, giúp cho không gian làm việc trở nên sáng sủa, thông thoáng và mát mẻ hơn mà không cần phải bật đèn chiếu sáng, quạt điện hay là sử dụng máy điều hòa. Ánh sáng tự nhiên là nguồn năng lượng rất có ích trong việc duy trì sức khỏe. Việc đưa ánh sáng và không khí tự nhiên vào phòng làm việc giúp giảm thiểu điện năng dùng cho thiết bị điện, tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất làm việc của người làm việc.

Theo World Green Building Council (Hội đồng Công trình xanh thế giới) hệ thống chiếu sáng trong nhà chiếm khoảng 20% chi phí điện. Tại các nước phát triển, hệ thống chiếu sáng ở lĩnh vực dịch vụ thương mại chiếm 34% và hệ thống chiếu sáng nhân tạo tại các hộ gia đình chiếm xấp xỉ 14% tổng sản lượng điện, tỉ lệ này còn cao hơn tại các nước đang phát triển. Điều này góp phần không nhỏ vào việc gây ra khí thải nhà kính. Cho nên, thay vì bật đèn chiếu sáng vào ban ngày, bật quạt hay điều hòa để làm mát… thì việc thường xuyên mở những cánh cửa của văn phòng làm việc sẽ giúp hạn chế sử dụng các thiết bị điện, giúp tiết kiệm điện một cách tối đa và giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.

Thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị điện

Các chuyên gia khuyên rằng, khi ở trong phòng làm việc nên để mức nhiệt của điều hòa không khí ở trên 20 độ C (nếu để điều hòa ở nhiệt độ càng thấp thì điện tiêu thụ càng nhiều), thường xuyên làm vệ sinh bộ phận lọc của điều hòa sẽ tiết kiệm được 5 - 7% điện năng. Điều chỉnh nhiệt độ thích hợp trong quá trình sử dụng, ban ngày nhiệt độ cài đặt nên 25 - 27 độ C kết hợp với hệ thống quạt gió, cho tiết kiệm 2 - 3% điện năng tiêu thụ. Tiến hành vệ sinh định kỳ, bảo dưỡng máy điều hòa nhiệt độ nhằm nâng cao tuổi thọ và hiệu quả hoạt động của máy. Tránh ánh sáng mặt trời không cần thiết chiếu trực tiếp vào văn phòng, nên sử dụng rèm che/màn chắn. Đối với quạt điện nên thường xuyên lau chùi cánh quạt và những bộ phận bên ngoài, nên bật quạt ở tốc độ vừa phải. Sau khi sử dụng xong thì nên rút phích cắm của quạt ra khỏi ổ điện.

Các thiết bị phổ biến, không thể thiếu tại các văn phòng như máy in, máy photocopy và máy fax, mặc dù có kích thước nhỏ gọn, công suất không lớn bằng các thiết bị khác nhưng nếu không sử dụng một cách khoa học và hợp lý, các thiết bị này có thể gây lãng phí điện năng, mực in, giấy khá lớn. Khi kết thúc ngày làm việc, nên rút hẳn nguồn điện các máy khi không sử dụng đến. Khi sử sụng máy vi tính tại nơi làm việc nên tắt màn hình, tắt nguồn khi đi ra ngoài trong thời gian 30 phút trở lên để tiết kiệm điện. Sử dụng màn hình LCD để tiết kiệm điện năng và hiển thị chất lượng hơn. Khi sử dụng máy vi tính nên để độ sáng màn hình ở mức vừa phải vì chế độ sáng càng cao, càng tốn điện, chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (ScreenSave) để vừa đỡ tốn điện, giúp bảo vệ cho máy tính.

Theo: MOIT Gov


Nguồn tin: tietkiemnangluong.com.vn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang