Nghị quyết nêu rõ,
thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX và Kết
luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về phát triển và ứng
dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước, những năm qua, các cấp, các ngành đã nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí,
vai trò, tầm quan trọng của công nghệ sinh học.
Công nghệ sinh học
nước ta có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng
ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông
nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường. Công nghiệp sinh học từng
bước được hình thành; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương
mại hoá sản phẩm công nghệ sinh học trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp
phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc
phòng, an ninh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về công nghệ sinh học tăng cả về số
lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, công nghệ
sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực công nghệ sinh học
chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khoa học - công
nghệ phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học lạc
hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành
kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh
học còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nguyên nhân của hạn
chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp uỷ, chính quyền
về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học chưa đầy đủ; cơ chế,
chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát
triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đầu tư cho phát triển và ứng dụng công
nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; mối liên kết
giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng
dụng công nghệ sinh học chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo.
Nghị quyết nêu rõ các
quan điểm bao gồm: Phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới; là
động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu
lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời
sống Nhân dân.
Phát triển và ứng dụng
công nghệ sinh học phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của
đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của quốc gia đi sau. Tập trung
đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế
về đa dạng sinh học nước ta.
Phát triển công nghiệp
sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong
phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách
vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh
tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học.
Cùng với quan điểm,
Nghị quyết cũng nêu rõ các mục tiêu. Trong đó, mục tiêu tổng quát là
tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công
nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông
minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Xây dựng ngành
công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích
cực vào GDP cả nước.
Mục tiêu cụ thể, đến
năm 2030 nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên
một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản
xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các
ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Xây dựng nền công nghệ
sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh
đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
Công nghiệp sinh học
trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh
học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản
phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết
yếu của xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2045:
Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung
tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ
sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp
10-15% vào GDP.
Ngoài ra, Nghị quyết
còn nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm:
1. Thống nhất nhận
thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới.
2. Tiếp tục xây dựng,
hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh
học.
3. Tập trung phát
triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát
triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
4. Xây dựng nguồn nhân
lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên
cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
về công nghệ sinh học.