Chuyển đổi số ngành công thương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Lượt xem: 1380
Nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 2822/UBND-KH của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Sở Công Thương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những nội dung sau:

     Về mục tiêu chung: Chuyển đổi số phải đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của ngành, ưu tiên chuyển đổi số trên một số lĩnh vực cấp thiết; đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các phòng, đơn vị; các doanh nghiệp ngành Công Thương. Chuyển đổi số ngành công thương góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; thu hẹp khoảng cách số với các tỉnh, thành trong cả nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tiết kiệm chi phí; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Sở Công Thương.

    Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: (1) Thực hiện 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê ngành phục vụ việc chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện qua hệ thống thông tin báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. (2) 100% thủ tục hành chính ngành Công Thương đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. (3) Trên 90% hồ sơ công việc tại phòng, đơn vị được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc bí mật nhà nước) và đến năm 2030 là 100% hồ sơ công việc ngành được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc bí mật nhà nước). (4) Phấn đấu đạt 70% dữ liệu số hóa các lĩnh vực ưu tiên của ngành và được lưu trữ tập trung và đến năm 2030 tỷ lệ dữ liệu số hóa, lưu trữ tập trung ngành đạt 90%. (5) Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong lĩnh vực năng lượng và thương mại đạt tối thiểu 15%; lĩnh vực công nghiệp đạt tối thiểu 10% và đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực công thương đạt tối thiểu 30%. (6) Tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngành công thương sử dụng nền tảng chuyển đổi số đạt 75% và đền năm 2030 tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngành công thương sử dụng nền tảng chuyển đổi số đạt 90%.
        Để hoàn thành mục tiêu cụ thể của ngành thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện:
Một là, về công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu kỹ các chương trình, chiến lược về chuyển đổi số Quốc gia; Nghị quyết số 10 -NQ/TU, ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 1282/KHUBND, ngày 04 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 10 -NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành công thương. Xây dựng chuyên mục, chuyên Trang trên cổng thông tin điện tử Sở nhằm tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số; giới thiệu, phổ biến và nhân rộng các điển hình tại các phòng, đơn vị, công chức, viên chức thực hiện tốt việc chuyển đổi số nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong ngành Công Thương. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số; tiên phong, gương mẫu sử dụng các nền tảng số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành.
Hai là, về tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số: Phối hợp tham gia với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách của tỉnh, ngành Công Thương nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp tiếp cận và tham gia thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tham gia phối hợp xây dựng hoàn thiện khung năng lực vị trí việc làm về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước của tỉnh, Bộ Công Thương; bộ tiêu chí đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.
Ba là, về đầu tư phát triển hạ tầng số: Rà soát, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng mạng nội bộ của phòng, đơn vị thuộc Sở đảm bảo sẵn sàng chuyển đổi sang giao thức mạng thế hệ mới IPv6; đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng các nền tảng số do tỉnh triển khai. Đầu tư, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị số phục vụ xử lý công việc chuyên môn đáp ứng yêu cầu: chuyển đổi số, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại Văn phòng Sở; nghiên cứu, đề xuất đầu tư thiết bị hội nghị truyền hình kết nối với Bộ Công Thương và kết nối với hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh, đảm bảo sẵn sàng kết nối, tham gia các cuộc họp, hội nghị truyền hình trực tuyến khi có yêu cầu. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua các chương trình, đề án phát triển hạ tầng số của ngành. Nghiên cứu xây dựng, đăng ký thực hiện Đề án “Xây dựng giải pháp đảm bảo hoạt động an ninh an toàn mạng của ngành Công Thương”.
Bốn là, về Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Công Thương: Tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành được duyệt; trọng tâm là các cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số được xác định trong Kế hoạch này, đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành do Bộ Công Thương triển khai. Chủ động phối hợp triển khai, sử dụng các nền tảng số do Bộ Công Thương triển khai, đồng thời triển khai có hiệu quả đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngành công thương.
Năm là, Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Phối hợp, đăng ký triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia của Bộ Công Thương tại Quyết định số 645/ QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Xây dựng, quản lý và vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử ngành Công Thương góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong chuyển đổi số của đơn vị. Hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai thương mại điện tử, chuyển đổi số gắn với các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030, thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, hiệu quả của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Tăng cường phổ cập, nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về chuyển đổi số, tạo thói quen sử dụng dịch vụ số. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp; người lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp bằng hình thức phù hợp. Phổ biến, giới thiệu các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để doanh nghiệp lựa chọn sử dụng, nhằm từng bước thực hiện tái cấu trúc, cải tiến, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế số, trọng tâm là phát triển thương mại điện tử, công nghiệp công nghệ thông minh, sản xuất thông minh. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng triển khai các nhiệm vụ, Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia của Bộ Công Thương.
Sáu là, về tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực: Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước do Sở Thông tin và Truyền thông triển khai đến công chức, viên chức ngành Công Thương. Thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh mạng khi xây dựng, triển khai các dự án, đề án, chương trình, kế hoạch do Sở Công Thương làm chủ đầu tư. Tham gia các lớp đào tạo trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố, mất an toàn, an ninh mạng do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức. Phối hợp cử công chức, viên chức ngành tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp chuyên đề về công nghệ thông tin, chuyển đổi số,.. góp phần nâng cao trình độ để triển khai chuyển đổi số tại các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở.
Bảy là, về lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số ngành Công Thương: Xây dựng cơ sở dữ liệu về các khu, cụm công nghiệp, tiềm năng phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh. Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng: đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số trong quản trị sản xuất, kinh doanh và tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, vận hành và sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp, nhà máy, khu sản xuất công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao, xây dựng dịch vụ về dữ liệu. Triển khai các nền tảng số nhằm nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử; tạo môi trường thuận lợi để các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp và người tiêu dùng trải nghiệm giao dịch mua/bán trên môi trường điện tử. Tập trung phát triển thương mại điện tử gắn kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với các cơ sở sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi cung ứng; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm lợi thế của tỉnh lên sàn thương mại điện tử; đưa thương mại điện tử trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xây dựng sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận kết nối với các sàn thương mại điện tử trong nước; khai thác, sử dụng hiệu quả Nền tảng địa chỉ số Quốc gia gắn với Bản đồ số phục vụ phát triển thương mại điện tử và logistics. Hỗ trợ, tư vấn và khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ

P QLTM - ĐXL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang