Những kết quả đạt được về Chuyển đổi số ngành Công Thương Bình Thuận năm 2023
Lượt xem: 73
Thời gian qua, Sở Công Thương Bình Thuận đã quyết liệt triển khai, nhằm tạo nền tảng cho môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.

Xác định vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Thời gian qua, Sở Công Thương Bình Thuận đã quyết liệt triển khai, nhằm tạo nền tảng cho môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.

Thực hiện Kế hoạch số 631/KH-UBND ngày 06/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số năm 2023, với tinh thần trách nhiệm cao, Sở Công Thương đã khẩn trương, tích cực rà soát và ban hành Kế hoạch số 616/KH-SCT ngày 17/3/2023 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch 631/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đã được đề ra.

anh tin bai

Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số tỉnh làm việc với Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Sở Công Thương

Cụ thể, về chuyển đổi số trên lĩnh vực cải cách hành chính, hiện nay Sở Công Thương đã cung cấp 60 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Thuận; trong đó, có 32 thủ tục cung cấp trực tuyến mức độ 3, 28 thủ tục cung cấp trực tuyến mức độ 4. Đang thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 04 thủ tục trong lĩnh vực Xúc tiến thương mại; thực hiện thí điểm tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh 01 thủ tục thuộc lĩnh vực quản lý cạnh tranh. Đến nay, đã có 27.299 hồ sơ được tiếp nhận, các hồ sơ đều được giải quyết sớm và đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn; trong đó, số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt tỷ lệ 95 %.

Về ứng dụng các phần mềm, dịch vụ nội bộ: Sở Công Thương đã triển khai sử dụng và ứng dụng rộng rãi hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ vào hoạt động quản lý điều hành. Sử dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động kế toán, quản lý hồ sơ cán bộ. Đến nay, các ứng dụng dùng chung đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trở thành các công cụ, môi trường làm việc thường xuyên của các công chức, viên chức trong ngành. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đang từng bước tiếp nhận và đưa vào sử dụng chính thức hệ thống Điều hành chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận ngay khi được triển khai, qua đó thể hiện quyết tâm trong tiến trình cải cách hành chính, là bước đi lớn góp phần hiện thực hoá Chính phủ phi giấy tờ trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã tích cực triển khai, đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số, kiến thức về thương mại điện tử từ những ngày đầu triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Năm 2023, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, đơn vị liên quan tổ chức 01 hội thảo với 67 người tham gia và 04 lớp cùng với 383 học viên tham dự các lớp bồi dưỡng về kiến thức thương mại điện tử và chuyển đổi số. Phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa vào hoạt động Sàn thương mại điện tử Bình Thuận, năm 2023 triển khai nâng cấp sàn, tăng tiện ích và tiện dụng, sớm gắn kết với các sàn thương mại điện tử đang có. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP cấp tỉnh/khu vực và các sản phẩm lợi thế của địa phương cung cấp thông tin sản phẩm, hình ảnh để đưa lên sàn thương mại điện tử địa phương (https://sanphamdiaphuong.vn) và sàn thương mại điện tử quốc gia (www.sanviet.vn). Đã hỗ trợ cho 07 doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận tham gia đối thoại, kết nối trực tiếp với sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo; Kết nối 32 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với sàn thương mại điện tử Tiki. Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát triển thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng; đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso,... Đến nay, đã có 54 cơ sở và 152 sản phẩm của doanh nghiệp 03 tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận – Lâm Đồng được cập nhật lên sàn thương mại điện tử địa phương, có 48.376 tài khoản hoạt động trên sàn Postmart.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ 18 cơ sở có sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”, đã có 86 sản phẩm của các cơ sở được tạo mã QR. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 152 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã thực hiện đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.

Qua việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử đã hỗ trợ khuyến khích các thương nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tăng cường đầu tư thực hành ứng dụng, phát triển các hoạt động thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được, Sở Công Thương cũng còn những hạn chế như: chưa xây dựng đồng bộ, có tính hệ thống các cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành, cập nhật chưa kịp thời và thiếu tính liên kết chia sẻ; cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công việc.

Do vậy, để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác Chuyển đổi số trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Theo đó, chú trọng đến công tác xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; dành kinh phí mua sắm trang thiết bị, công nghệ để phục vụ công tác Chuyển đổi số. Triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến. Chỉ đạo cập nhật đầy đủ hồ sơ giải quyết TTHC lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số phổ biến (dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, chữ ký số cá nhân, thương mại điện tử,…). Tiếp tục sử dụng các hệ thống ứng dụng dùng chung của tỉnh phục vụ công tác, kịp thời phản ánh, kiến nghị những lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng.

Ngoài ra, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đạt yêu cầu đề ra “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030”. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Duy trì hiệu quả Sàn thương mại điện tử của tỉnh, tạo điều kiện cũng như tăng cường kết nối doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử đang hoạt động, trọng tâm là sàn voso và Postmart. Tiếp tục thực hiện Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”.  

Với những giải pháp nêu trên, hy vọng công tác chuyển đổi số Sở Công Thương Bình Thuận sẽ đi vào thực chất hơn, đạt được nhiều hiệu quả tích cực hơn nữa trong thời gian đến để nâng cao chất lượng hoạt động của toàn ngành.

H.L - VP Sở
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập