Chính phủ Ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược
phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là
bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng
đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, một ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột
trong nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam đã đề ra con đường phát triển
ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo cách tiếp cận
độc đáo, thể hiện lý luận, đường đi theo công thức:
C = SET+1
Trong đó C là viết tắt
của Chip (chip bán dẫn)
S là viết tắt của Specialized (phát triển chip chuyên dụng)
E là viết tắt của Electronics (Công nghiệp điện tử)
T là viết tắt của Talent (Nhân lực công nghệ)
+1 là Việt Nam (thể hiện Việt Nam là điểm đến an toàn
của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu)
Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán
dẫn Việt Nam
Chi tiết về lộ
trình, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Việt Nam theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1
(2024 - 2030), thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình
thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô
nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản
phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực.
Quy mô doanh
thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng
tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam
đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%. Quy mô
nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có
cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giai đoạn 2
(2030 - 2040), sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp
giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 02 nhà máy
chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước
tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.
Quy mô doanh
thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng
tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam
đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%. Quy mô
nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có
cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giai đoạn 3
(2040 - 2050), hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp
thiết kế, 03 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản
phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Quy mô doanh
thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng
tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam
đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%. Quy
mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp
ứng nhu cầu phát triển. Hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự
chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.
5 nhiệm vụ phát
triển ngành công nghiệp bán dẫn
Chiến lược đề
ra 5 nhiệm vụ với các giải pháp thực hiện cụ thể gồm: Phát triển chip chuyên
dụng; Phát triển công nghiệp điện tử; Phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân
tài trong lĩnh vực bán dẫn; Thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn và một số
nhiệm vụ, giải pháp khác.
Theo đó, Việt
Nam sẽ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
(BCĐ), do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng BCĐ. BCĐ là tổ chức phối hợp liên
ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo,
phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc
đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; đồng thời, thành lập tổ chuyên
gia tư vấn chuyên môn về công nghiệp bán dẫn - đây là cơ quan tham mưu, tư vấn
độc lập, chuyên nghiệp, có tầm nhìn chiến lược, nhằm cung cấp các kiến thức,
phân tích chuyên sâu về chuyên môn để tham mưu, tư vấn giúp BCĐ và Thủ tướng
Chính phủ chỉ đạo, định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Tổ
chuyên gia do Bộ trưởng Bộ TT&TT làm Tổ trưởng; thành phần Tổ chuyên gia
gồm đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các
chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn.
Việt Nam cũng
xây dựng/áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam nhằm nâng
cao chất lượng sản phẩm bán dẫn, điện tử; hình thành, công nhận hệ thống các tổ
chức đánh giá chất lượng, trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm, dịch vụ
bán dẫn, điện tử.
Chi tiết Quyết định