Phát triển điện gió ngoài khơi sẽ góp phần tích cực bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển
Với
tiềm năng được đánh giá cao của nước ta về điện gió ngoài khơi (ĐGNK), cùng mục
tiêu đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn điện
và cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
và an ninh quốc phòng, việc xây dựng chiến lược, hình thành các cơ chế để phát
triển lĩnh vực ĐGNK ở nước ta là hết sức cần thiết.
ĐGNK cần thí điểm sớm nhất có thể
Với vị trí
địa lý thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là quốc gia ven biển có tiềm năng phát
triển năng lượng gió ngoài khơi vô cùng lớn. Tại cuộc họp Chính phủ về việc thí
điểm phát triển ĐGNK, Bộ Công Thương đã nêu một số khó khăn, vướng mắc chính
trong phát triển ĐGNK liên quan đến quy hoạch; chủ trương đầu tư và lựa chọn
nhà đầu tư; điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư
theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); triển khai đầu tư xây dựng và cấp phép
xây dựng; quy định pháp luật về biển; xác định tài nguyên gió là tài sản công.
|
Thí điểm
xây dựng trang trại ĐGNK cần sớm được triển khai (Ảnh minh họa)
|
Bên cạnh đó
là các vấn đề về an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia; giá điện; tín dụng;
tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thiết bị, thi công xây dựng, an toàn cháy nổ...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, Bộ cũng đang làm việc với Tập
đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai thí điểm 2 dự án ĐGNK.
Tại cuộc làm
việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Quy hoạch không gian biển
quốc gia đã được phê duyệt. Vướng mắc đối với việc giao khu vực biển để điều
tra, đo đạc, khảo sát sẽ được tháo gỡ khi sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ ban
hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy
định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử
dụng tài nguyên biển.
Ngoài ra, Bộ
Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện giao biển cho 1 dự án ĐGNK để xuất khẩu
sang Singapore, khoảng 10 dự án điện gió trên biển ở vùng 6 hải lý. Bộ Công
Thương có thể tham khảo các quy định, thủ tục hành chính để vận dụng cho dự án
ĐGNK. Lãnh đạo EVN, Petrovietnam cho biết, đã triển khai các bước chuẩn bị để
có thể triển khai dự án thí điểm phát triển dự án ĐGNK.
Kết luận
cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ Đề án thí điểm phát triển ĐGNK đã
được đặt ra từ lâu, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đề án
phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu
khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công
nghệ... trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án. Đây là căn cứ đề xuất phương
án thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở “luật nào, chính sách nào, thẩm quyền
của ai”.
Phó Thủ
tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Việc triển khai thí điểm phát triển ĐGNK là quá
trình vừa làm, vừa hoàn thiện nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp
luật đi kèm”.
Phó Thủ
tướng dành thời gian phân tích, chỉ ra hướng xử lý một số khó khăn, vướng mắc
cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành. Đơn cử như vướng mắc về lựa chọn địa điểm
triển khai dự án ĐGNK không nằm ở luật mà ở khâu tổ chức thực hiện cần sự thống
nhất của Bộ Giao thông vận tải (liên quan đến tuyến đường biển quốc tế), Bộ
Quốc phòng (nếu là khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh). Tương tự, Bộ Công
Thương cần rà soát kỹ vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư, xuất khẩu điện, sự tham
gia của nhà đầu tư nước ngoài... thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ để kiến nghị tháo gỡ.
Điện gió ngoài khơi sẽ tích cực góp
phần khẳng định chủ quyền trên biển
Nghiên cứu
“Xác định không gian các khu vực điện gió ngoài khơi vùng biển Việt Nam bằng
công nghệ GIS” của Viện khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và
Môi trường và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2, EVN (Nguyễn Thị Thanh
Nguyệt - Dư Văn Toán) cho thấy, chúng ta đủ cơ sở, khả năng xây dựng các trang
trại điện gió trên biển, tạo thành đường biên giới vững chắc, đồng thời đáp ứng
đủ 12 tiêu chí về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường.
|
Việt Nam
đủ khả năng xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi.
|
Nghiên cứu
trên được thực hiện bằng công nghệ GIS kết hợp với phương pháp Fuzzy Logic cho
từng tiêu chí về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường với mục
tiêu thành lập bản đồ các khu vực có khả năng xây dựng các trang trại điện gió
tại vùng biển Việt Nam nhằm giúp chính quyền và các nhà đầu tư khoanh vùng,
tiết kiệm thời gian tìm kiếm vị trí đầu tư trong giai đoạn đầu của dự án cũng
như góp phần phục vụ cho việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa
phương. Phương pháp này được áp dụng tại khu vực vùng biển Việt Nam tính từ bờ
khoảng 200 km (Hình 1) - đây là khu vực có mức độ tập trung tốc độ gió và mật
độ năng lượng gió trung bình ở độ cao 100 m khá cao.
Yếu tố quan
trọng nhất cần xem xét khi xây dựng các trang trại điện gió là tốc độ gió tại
khu vực. Dựa vào sự tương đồng về tốc độ gió tối ưu của nhiều nghiên cứu và
công nghệ tuabin gió hiện nay cũng như dữ liệu vận tốc gió trong phạm vi khu
vực nghiên cứu (dao động trong khoảng 3,60 - 11,03 m/s), nhóm nghiên cứu xác
định những khu vực có vận tốc gió dưới 3 m/s sẽ không có khả năng xây dựng các
trang trại điện gió, trong khi đó, những khu vực hoàn toàn có khả năng xây dựng
sẽ có giá trị vận tốc gió lớn hơn hoặc bằng 8 m/s.
Trong tổng
hơn 600.000 km2 diện tích khu vực nghiên cứu, khu vực tiềm năng có khả năng xây
dựng chiếm hơn 21,62%, tương đương 130,229.97 km2. Trong đó, diện tích khu vực
tiềm năng xây dựng điện gió gần bờ (khu vực có độ sâu nước dưới 20 m) gần
14.330 km2 ứng với 11,00% trong tổng diện tích khu vực tiềm năng, chủ yếu tập
trung tại các tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa,
Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ
Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau. Diện tích tiềm
năng còn lại là điện gió ngoài khơi chiếm 89% (gần 116.000 km2).
Có thể thấy
rằng, ĐGNK không chỉ giải bài toán về năng lượng mà sẽ là một trong những động
lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong kỷ nguyên mới, đặc
biệt là đảm bảo an ninh, khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam. Chính vì
vậy, triển khai ĐGNK càng sớm, nhanh thì càng có lợi cho đất nước.
Tác
giả: PetroTimes
Nguồn tin: petrovietnam.petrotimes.vn