Phát triển thị trường hiệu suất năng lượng cao - Từ chính sách đến thực tiễn triển khai
Trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông về tiết kiệm năng lượng
(TKNL) năm 2023 thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, ngày 06 tháng 9 năm 2023, Văn phòng Ban chỉ đạo
Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường
hiệu suất năng lượng cao - Từ chính sách đến thực tiễn triển khai”.
Diễn đàn có sự tham gia của ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn
phòng Ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Văn Long -
Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả Việt Nam; Bà Đoàn Thị Thanh Vân, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt
Nam, Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc kinh doanh cấp cao Công ty Cổ phần
Daikin Air Conditioning Vietnam; Ông Đỗ Thành Thắng – Giám đốc Ban
Năng lượng Schneider Electric Việt Nam.
Hơn 100 khách mời gồm hội, hiệp hội, viện nghiên cứu, chuyên gia
trong lĩnh vực năng lượng; đại diện các tổ chức thử nghiệm, trung tâm thương
mại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điều hoà không khí cùng đông đảo các
cơ quan báo chí, truyền hình.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã có những chia sẻ hữu ích về hệ thống
pháp lý - cơ sở để phát triển thị trường hiệu suất năng lượng cao. Đồng thời
đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cũng như những giải pháp
cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động dán nhãn năng lượng và phát triển thị
trường hiệu suất năng lượng cao.
![]()
Các diễn giả tham dự Diễn đàn "Phát triển
thị trường hiệu suất năng lượng cao - Từ chính sách đến thực tiễn triển
khai"
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng
lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Chương trình dán nhãn năng lượng là biện pháp
quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ dần
các sản phẩm công nghệ lạc hậu, hướng tới việc xây dựng văn hóa tiêu dùng bền
vững trong cộng đồng. Để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng 5- 7% tổng tiêu
thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 2025 và 8 - 10% tổng tiêu
thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn từ năm 2019 - 2030 theo Chương trình quốc
gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (Chương
trình VNEEP 3) một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra đó là
Chương trình chuyển đổi thị trường hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết
bị sử dụng năng lượng - Chương trình dán nhãn năng lượng.
Mục tiêu của chương trình là tới năm 2030, cả nước sẽ tiết kiệm
tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD), tương đương giảm 34
triệu tấn khí thải carbon. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm khoảng 6.000
GWh/năm, tương đương hai nhà máy điện đốt than 500 MW.
Theo ông Đặng Hải Dũng, “Bộ Công Thương đã thực hiện
Chương trình dán nhãn năng lượng với các mức năng lượng từ 1 sao đến 5 sao cho
một số thiết bị tiêu thụ điện. Đặc biệt, từ năm 2020 thông qua Chương trình
Giải thưởng hiệu suất năng lượng cao nhất, Bộ Công Thương khuyến khích phát
triển các sản phẩm đạt hiệu suất năng lượng mức trên 5 sao. Chương trình nhằm hướng
đến các thiết bị có công nghệ cao nhất và tiết kiệm nhất, thông qua đó tạo ra
xu hướng về chuyển dịch mạnh mẽ tiêu dùng các phương tiện thiết bị có hiệu suất
năng lượng cao nhất.”
![]()
"Gần 300 sản phẩm được công nhận và dán
nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất, 11 thương hiệu đã được Bộ Công Thương tôn
vinh" - Ông Nguyễn Văn Long - Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khoa học
và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Long - Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và
công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam nhận định:
"Hoạt động Dán nhãn năng lượng đã được thực hiện từ lâu nhưng một Giải
thưởng để tôn vinh các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất có ý nghĩa rất
to lớn đối với cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì thế, sức lan
toả của Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất là vô cùng to lớn.
Tính đến nay, gần 300 sản phẩm được công nhận và dán nhãn hiệu suất năng lượng
cao nhất, 11 thương hiệu đã được Bộ Công Thương tôn vinh. Các sản phẩm bao gồm:
điều hòa không khí, máy giặt, bình nước nóng, đèn led chiếu sáng, máy biến áp,
động cơ điện...”.
Để thị trường sản phẩm hiệu suất cao thực sự sôi động, thu hút sự
quan tâm, lựa chọn của người tiêu dùng, ông Đặng Hải Dũng cho
biết, Bộ Công Thương đã định hướng triển khai đồng bộ các tiêu chuẩn kỹ
thuật, công nghệ. Trong đó, các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và công nghệ
cần được sửa đổi, cập nhật, nâng cao dần theo trình độ phát triển công nghệ
trong nước để từng bước hội nhập với tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
![]()
"Công ty CP Daikin Air Conditioning Vietnam
đã không ngừng đổi mới công nghệ, cho ra đời những sản phẩm điều hoà tiết kiệm
điện năng đáp ứng nhu cầu của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng"
- bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc kinh doanh cấp
cao Daikin Việt Nam (bên phải)
Là một thương hiệu thương hiệu điều hoà tiên phong nâng cao
hiệu suất năng lượng cho thiết bị Công ty CP Daikin Air Conditioning
Vietnam có nhiều model sản phẩm nằm trong danh sách 300 sản phẩm có hiệu
suất năng lượng cao nhất do Bộ Công Thương bình chọn. Nhiều năm qua, Công ty
CP Daikin Air Conditioning Vietnam đã không ngừng đổi mới công nghệ, cho
ra đời những sản phẩm điều hoà tiết kiệm điện năng đáp ứng nhu cầu của thị
trường và thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc kinh doanh cấp
cao Daikin Việt Nam, "Daikin Việt Nam luôn nỗ lực nghiên
cứu để sản phẩm có thể đạt được hiệu quả năng lượng cao nhất. Việc nâng cao
tiêu chuẩn, hiệu suất năng lượng sẽ là thách thức mới và Daikin với công nghệ
tiết kiệm điện độc đáo và duy nhất sẽ ngày càng đưa ra những sản phẩm có hiệu
suất năng lượng cao để đáp ứng các tiêu chí của quy chuẩn mới và của
người tiêu dùng."
Theo số liệu được công
bố bởi Bộ Công Thương, Chương trình dán nhãn năng lượng cho sản phẩm điều hòa
không khí đã dán nhãn cho gần như toàn bộ điều hòa không khí gia dụng
(<40.000BTU) kinh doanh trên thị trường. Trong đó 62,8% mẫu lưu hành trên
thị trường đạt mức hiệu suất cao từ 4 sao đến 5 sao.
Việc nâng cấp tiêu
chuẩn hiệu suất năng lượng cho sản phẩm điều hòa không khí từ 2,54 lên 3,8 và
lên 4,2 vào năm 2015 đã tiết kiệm điện năng trong lĩnh vực điều hòa không khí
mỗi năm hơn 100 triệu kWh và giúp cắt giảm công suất phụ tải tương đương với
việc tiết kiệm đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện với công suất
300MW.
|
![]()
Ông Đỗ Thành Thắng – Giám đốc Ban Năng
lượng Schneider Electric Việt Nam (Bên trái) cho biết: Schneider Electric
đã ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng hiệu suất năng lượng cho thiết bị
Về phía doanh nghiệp sản xuất, phân phối thiết bị tiêu thụ điện,
ông Đỗ Thành Thắng – Giám đốc Ban Năng lượng Schneider Electric Việt Nam
cho rằng để đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp cần phải đổi mới liên
tục để đưa các sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng, đồng thời tối ưu hoá quá
trình sản xuất để sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhưng cần có giá thành hợp lý.
Diễn đàn cũng tạo cơ hội đối thoại giữa các cơ quan quản lý,
chuyên gia và doanh nghiệp về cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển thị
trường hiệu suất năng lượng cao. Qua chia sẻ của các chuyên gia, các doanh
nghiệp, có thể khẳng định phát triển thị trường hiệu suất năng lượng cao không
chỉ giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện sử dụng mà còn góp phần quan trọng trong
việc bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức của người dân.
Dự
báo, lượng điện tiết kiệm từ các sản phẩm dán nhãn năng lượng sẽ có thể lên
tới 30% vào năm 2030. Điều này khẳng định, Chương trình dán nhãn năng lượng
và thúc đẩy sử dụng hiệu suất năng lượng cho thiết bị điện đã và đang được Bộ
Công Thương triển khai có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc
gia cũng như đóng góp hiện thực hoá cam kết của Việt Nam nhằm cân bằng phát
thải ròng vào giữa thế kỷ 21.
|
Tác
giả: Anh Thư
Nguồn tin: tietkiemnangluong.com.vn