Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Lượt xem: 103
Sáng ngày 10/10, tại kỳ họp thứ 17 (chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XI đã xem xét, thông qua Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu tổng quát là không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững; phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 03 trụ cột: (1) Công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các khu, cụm liên ngành. (2) Dịch vụ với các loại hình, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí; thể thao; du lịch nông nghiệp, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics. (3) Nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn vùng và cả nước. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 11 nội dung chủ yếu. Trong đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tỉnh Bình Thuận và diện tích vùng biển đưa vào nghiên cứu quy hoạch. Nhiệm vụ trọng tâm tạo đột phá phát triển trong thời kỳ quy hoạch, gồm: Đổi mới tư duy phát triển, chủ động, sáng tạo trong quản lý. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách (hoàn thiện thể chế) tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác, phát triển. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ưu tiên phát triển 03 trụ cột công nghiệp (hạt nhân là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo), dịch vụ, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với Phương án phát triển hệ thống đô thị, đến năm 2030, Bình Thuận có 16 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Phan Thiết), 1 đô thị loại III (thành phố La Gi), 3 đô thị loại IV (Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu), 11 đô thị loại V. Nghiên cứu mở rộng không gian phát triển thành phố Phan Thiết về phía Bắc (thuộc Hàm Thuận Bắc) và phía Tây (thuộc Hàm Thuận Nam). Phát triển thêm 03 đô thị, bao gồm: đô thị Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong, đô thị Sơn Mỹ thuộc huyện Hàm Tân và đô thị Phú Quý. Từng bước đáp ứng yêu cầu đồng bộ, hiện đại về hạ tầng của các đô thị, nhất là các trung tâm huyện lỵ; hình thành một số khu đô thị mới, khu đô thị chức năng hiện đại, trước hết là hình thành khu đô thị sân bay Phan Thiết, đô thị Vĩnh Tân, đô thị Sơn Mỹ. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50,8% vào năm 2030

Đối với phương án phát triển mạng lưới giao thông, Bình Thuận xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trục giao thông kết nối với mạng lưới giao thông quan trọng quốc gia đến các khu đô thị, du lịch, các khu, cụm công nghiệp và các khu vực tiềm năng phát triển của tỉnh, gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến Quốc lộ 1, 28, 55, 28B, 51C (hình thành mới), đường bộ ven biển; nâng cấp cải tạo đảm bảo đúng cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh; cải tạo hoặc xây dựng mới hệ thống cầu cống nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với tải trọng khai thác. Tỉnh cũng đầu tư 07 tuyến giao thông kết nối liên thông với đường bộ cao tốc đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 2 làn xe; 06 tuyến giao thông chính kết nối đến cảng hàng không Phan Thiết, Khu du lịch quốc gia Mũi Né; phát triển 05 tuyến giao thông phục vụ phát triển dịch vụ logistics tại khu vực Cảng biển Vĩnh Tân...

Để thực hiện, Bình Thuận cũng đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu, gồm: Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; Giải pháp về huy động nguồn lực đất đai; Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh 

VP Sở
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập