Hoạt động ngành Công Thương Bình Thuận năm 2023
Lượt xem: 123

Xác định năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh Bình Thuận nói chung và của ngành Công Thương Bình Thuận nói riêng; dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại năm 2023 được duy trì ổn định, nhiều mặt, lĩnh vực chuyển biến tích cực.

anh tin bai

Ông Đoàn Anh Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương năm 2022

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Thuận (theo giá so sánh 2010) năm 2023 vẫn duy trì và tăng trưởng ước đạt 40.610,9 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm trước; trong đó: nổi bật là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 16.822,7 tỷ đồng, tăng 11,66% so với năm trước; đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 256,8 tỷ đồng, tăng 4,46% so với năm trước. Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20.598,3 tỷ đồng, giảm 0,37% và nhóm ngành công nghiệp khai khoáng đạt 2.933,1 tỷ đồng, giảm 6,53% so với năm trước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng. Từ đầu năm đến nay, chi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đạt 85 tỷ đồng, thu hút được 02 dự án đầu tư với tổng diện tích sử dụng 1,54 ha tại Cụm công nghiệp Đông Hà; Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp đã thu hút, bố trí hơn 175 dự án đầu tư với tổng diện tích 270,33 ha, chiếm 35,9% diện tích đất công nghiệp của các cụm, giải quyết việc làm cho khoảng 8.300 lao động tại địa phương. Một số dự án công nghiệp quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, động lực phát triển như Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II với tổng công suất 4.500 MW, tổng vốn đầu tư trên 04 tỷ USD; Dự án Kho cảng LNG tại KCN Sơn Mỹ I, huyện Hàm Tân với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận, đang triển khai đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư.

Đối với nhóm ngành công nghiệp điện, năng lượng của tỉnh cũng đã có bước tiến vượt bậc. Trong năm, ngành cũng đã phối hợp tích cực với ngành điện giải quyết các vướng mắc về hướng tuyến đường dây, công trình điện trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc chủ đầu tư thi công Nhà máy thủy điện Sông Lũy 16MW với tổng vốn đầu tư khoảng 460 tỷ đồng; đóng điện vận hành 2 trạm biến áp 110kV Vĩnh Hảo và Tánh Linh, mạch 02 đường dây 110kV Mũi Né - Phan Thiết, mạch 2 đường dây 110kV Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né. Đồng thời, với đó là hệ thống lưới truyền tải và lưới điện phân phối tỉnh Bình Thuận (500 kV, 220 kV, 110 kV, trung thế và hạ thế) được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đồng bộ, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận và đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523,21 MW (gồm: 04 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tổng công suất 4.284 MW; 07 nhà máy thủy điện, tổng công suất 819,5 MW; 09 nhà máy điện gió, tổng công suất 299,6 MW; 26 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 1.110,11 MW; 01 nhà máy điện diesel huyện đảo Phú Quý, công suất 10 MW); tổng sản lượng điện thiết kế của 47 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh trên 31 tỷ kWh/năm.

Hoạt động thương mại nội địa duy trì ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các vùng, miền trong tỉnh, giá cả các mặt hàng thiết yếu khá bình ổn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; thị trường không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 95.480 tỷ đồng, tăng 28,57% so với năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 61.490 tỷ đồng, tăng 18,25% so năm trước. Đến nay, toàn tỉnh có 138 chợ, 59 cửa hàng tiện lợi (Bách Hóa Xanh, Winmart+), 02 kho chứa hàng hóa thuộc chuỗi hệ thống Bách Hóa Xanh (trong đó có 01 kho hàng phục vụ kinh doanh online), 01 Trung tâm thương mại Lotte Phan Thiết, 03 siêu thị (Co.opMart: Phan Thiết, La Gi và Phan Rí Cửa); có 299 cửa hàng xăng dầu, 15 tàu dầu và 02 kho xăng dầu.

anh tin bai

HTX Hệ sinh thái và sản xuất tiêu dùng bền vững Bình Thuận ký kết Biên bản ghi nhớ với đối tác doanh nghiệp Trung Quốc

Các hoạt động xúc tiến thương mại được tích cực triển khai và mang lại hiệu quả, nhất là xúc tiến các sản phẩm lợi thế của tỉnh thông qua các chương trình khảo sát, giao thương tại Chương trình Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2023 - 2025, các chuỗi sự kiện Hội chợ Thương mại Quốc tế - Việt Trung (Lào Cai); chuỗi sự kiện Hội nghị ngành Công Thương 20 tỉnh khu vực phía Nam tại tỉnh Hậu Giang; Hội nghị kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa Bình Thuận và Lâm Đồng; chương trình Hội nghị kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành,… đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 904,4 triệu USD, tăng 7,33% so với năm trước. Các doanh nghiệp vẫn chịu tác động, ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới, nhất là thị trường Châu Âu đang gặp trở ngại do xung đột giữa Nga - Ukraine và tình hình sau dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu đang đứng trước thời điểm khó khăn do lạm phát gia tăng trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng suy giảm, người dân và Chính phủ các nước đang thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng giảm sút đã ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong năm, ước thực hiện 714,4 triệu USD, giảm 8,59% so với năm trước. Nhóm hàng thủy sản ước thực hiện 210 triệu USD, giảm 16,04%; nhóm hàng nông sản ước thực hiện 14,4 triệu USD, tăng 11,03% (riêng mặt hàng thanh long xuất khẩu chính ngạch ước đạt 8,6 triệu USD, tăng 11,41%); nhóm hàng hóa khác ước thực hiện 490 triệu USD, giảm 5,49% so với cùng kỳ. Nhóm hàng nông sản xuất khẩu tăng nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh nên không tác động nhiều đến tốc độ tăng trưởng chung. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu về thị trường xuất khẩu, lượng đơn hàng xuất khẩu giảm so với năm trước (chủ yếu ở các ngành hàng thủy sản, hàng hóa khác: dệt may, da giày,...). Thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật để kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi hầu hết doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tại địa phương đa số có quy mô nhỏ, nguồn vốn ít, công nghệ chế biến chưa cao nên sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế; liên kết chuỗi giữa các ngành cùng nhóm sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh chưa hình thành,…

Để hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương giao, trong thời gian tới, ngành Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục phấn đấu tập trung thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại, xuất khẩu, tạo đà cho kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng./.

VP Sở
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập