Một số kết quả nổi bật về công tác pháp chế trên lĩnh vực Công Thương năm 2024
Lượt xem: 229
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và gần đây nhất là thực hiện Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai công tác pháp chế năm 2024, Sở Công Thương đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai công tác pháp chế năm 2024 trên lĩnh vực ngành quản lý và tập trung chỉ đạo thực hiện đạt được một số kết quả nổi bật trong năm 2024

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và gần đây nhất là thực hiện Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai công tác pháp chế năm 2024, Sở Công Thương đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai công tác pháp chế năm 2024 trên lĩnh vực ngành quản lý và tập trung chỉ đạo thực hiện đạt được một số kết quả nổi bật trong năm 2024, thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:

            Trước hết, về kiện toàn tổ chức pháp chế: Hiện nay, chức năng tham mưu công tác pháp chế trên lĩnh vực Công Thương thuộc Thanh tra Sở và chưa có biên chế chuyên trách cho vị trí việc làm công tác pháp chế mà do 02 Thanh tra viên kiêm nhiệm. Triển khai thực hiện Nghị định số 56/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Sở đã tập trung rà soát tổ chức, bộ máy để điều chỉnh, sắp xếp chức năng, nhiệm vụ tham mưu về công tác pháp chế từ Thanh tra Sở sang Văn phòng Sở; theo đó, dự kiến bố trí 01 biên chế chuyên trách có trình độ cử nhân Luật tại Văn phòng Sở để tham mưu thực hiện công tác pháp chế đảm bảo phù hợp với yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Nghị định số 56/2024/NĐ-CP của Chính phủ và định biên biên chế được giao.

Thứ hai, về công tác xây dựng pháp luật: Trong năm, Sở Công Thương đã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 01 văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình rút gọn về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở. Hiện, đang tiếp tục thực hiện quy trình xây dựng 01 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung, mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh và 02 dự thảo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của ngành luôn đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và không có nội dung nào trái quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tích cực tham gia góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến đảm bảo tiến độ, đúng quy định.

Thứ ba, về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Sở Công Thương đã kịp thời ban hành Kế hoạch về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành để triển khai thực hiện. Trong năm 2024, Sở Công Thương đã rà soát 12 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 03 văn bản hết hiệu lực toàn bộ và 01 văn bản hết hiệu lực một phần hoặc ngưng hiệu lực một phần. Qua công tác tự kiểm tra, phát hiện 04 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công thương do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành có căn cứ pháp lý, nội dung không phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế. Sở Công Thương đã chủ động tham mưu trình Ủy ban  nhân dân tỉnh ban hành 01 văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đề nghị Sở Tư pháp rà soát, đề xuất thay thế 03 văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, trong năm, Sở Công Thương đã phối hợp tốt với Sở Tư pháp và sở, ngành khác có liên quan trong công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của các ngành có liên quan đến Luật giá năm 2023; Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các Luật thuế, Luật Dược, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2024; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Tiếp cận thông tin; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nội vụ, khoa học và công nghệ, ưu đãi đầu tư của tỉnh; về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhìn chung, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Sở Công Thương được triển khai thường xuyên, hiệu quả theo đúng quy định tại Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, đúng quy trình, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương về lĩnh vực công thương. Xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không hợp lý, khả thi, không phù hợp trong quá trình tự kiểm tra, rà soát.

Thứ tư, về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Công Thương năm 2024 và Kế hoạch về hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bình Thuận năm 2024. Theo đó, đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung các Luật, Nghị định, Thông tư đã được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 thuộc các lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương; các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các chính sách pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; các chính sách, quy định về cải cách hành chính. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được Sở Công Thương thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức 09 Hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp cho 630 lượt người tham gia tập huấn các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thi đua khen thưởng, cải cách hành chính, chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, pháp chế, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hiệp định thương mại tự do…; 02 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 81 lượt người tham gia; đăng tải các văn bản pháp luật trên Trang thông tin điện tử của Sở và các đơn vị thuộc Sở; ban hành văn bản tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đến các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

anh tin bai 

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử năm 2024 tại Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Thứ năm, về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Ngay từ đầu năm 2024, Sở Công Thương đã kịp thời ban hành các Kế hoạch về Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, về theo dõi tình hình thi hành pháp luật ngành Công Thương và về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của Sở Công Thương để triển khai thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, tập trung theo dõi thi hành pháp luật về các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Sở Công Thương. Nhìn chung cấp ủy, lãnh đạo Sở đã quan tâm chỉ đạo kịp thời đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật của ngành. Việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm; chủ trì tổ chức kiểm tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với Thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định; công tác phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2024 về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và xuất bản tại 10 Sở, ngành, địa phương được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Qua kiểm tra, đã chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế để các Sở, ngành, địa phương được kiểm tra quan tâm thực hiện; chế độ báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được Sở thực hiện đúng theo quy định.

Thứ sáu, về công tác bồi thường của Nhà nước: Sở đã ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường nhà nước năm 2024 và triển khai tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong năm 2024, Sở Công Thương không có vụ việc nào vi phạm, phải thực hiện việc bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thứ bảy, về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 trên lĩnh vực Công Thương; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 78-CTr/TU, ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới trên lĩnh vực Công Thương;  phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.  Thực hiện niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ 100% các quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở cụ thể, rõ ràng theo từng lĩnh vực trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của tỉnh, trên Trang thông tin điện tử Sở; niêm yết công khai tại Trung tâm Hành chính công. Sở Công Thương có 136/139 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Cuối cùng, về công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng: đã ban hành văn bản để triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính trong ngành, tham gia góp ý trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như lĩnh vực đất đai; kiểm tra, rà soát và có ý kiến tham mưu xử lý đối với các hồ sơ, vụ việc phức tạp do Cục Quản lý thị trường tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử phạt. Trong năm, lĩnh vực Công Thương không phát sinh các vấn đề pháp lý có liên quan đến tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan theo quy định của pháp luật của ngành thuộc phạm vi quản lý./.

Thanh tra Sở
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập