Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024
Sáng ngày 16/02, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Vũ Ngoan; đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Vũ Ngoan chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ Công thương đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa và các phương án cung ứng hàng hóa; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt, kẹo, xăng dầu... Trong dịp Tết, có 46 tỉnh, thành phố thực hiện chương trình bình ổn thị trường; nhiều địa phương còn tổ chức Hội chợ Xuân, chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức tháng khuyến mại... nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Các Tập đoàn, Tổng Công ty đều cam kết cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm. Bên cạnh đó, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới cuối ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung không biến động nhiều.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị trong thời gian tới các tỉnh, thành phố làm tốt công tác quy hoạch ngành điện, xăng dầu, khoáng sản. Đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu cho người dân và doanh nghiệp trong bất cứ tình huống nào. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường trên địa bàn, đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ trên các kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử. Chú trọng phát triển thị trường trong nước; khuyến khích phát triển hạ tầng thương mại truyền thống là các chợ, các siêu thị nhằm khẳng định uy tín kênh bán lẻ của Việt Nam; sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Kịp thời tiếp nhận các kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Nguyễn Phương - Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận