Tình hình Công nghiệp - Thương mại Bình Thuận tháng 01/2024
Lượt xem: 167

1.1. Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp

Trong tháng 01/2024, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tăng cường sản xuất nhằm phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá (một phần do cùng kỳ năm trước là dịp Tết, nên số ngày hoạt động ít hơn). Ngành sản xuất và phân phối điện hoạt động ổn định và tăng cao do tháng cùng kỳ sản xuất thấp góp phần lớn cho tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tăng  1,96% so với tháng trước và tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 24,2%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 20,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%.  

anh tin bai

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) dự ước tháng 01/2024 đạt 3.403,3 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp khai khoáng 64,9 tỷ đồng, giảm 24,1%; công nghiệp chế biến chế tạo 1.395,3 tỷ đồng, tăng 11,8%; sản xuất và phân phối điện 1.919,4 tỷ đồng, tăng 20,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 23,8 tỷ đồng, tăng 2,8%.

* Một số sản phẩm chủ yếu trong tháng 01/2024 tăng so với cùng kỳ gồm: Thủy sản đông lạnh tăng 62,5%; thủy sản khô tăng 29,1%; nước mắm tăng 29,0%; nhân hạt điều tăng 1,7%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) tăng 64,4%; quần áo may sẵn tăng 40,4%; gạch các loại tăng 25,8%; nước máy sản xuất tăng 0,3%; điện sản xuất tăng 21,8%; sơ chế mủ cao su tăng 20,5%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 60,5%; giày, dép các loại tăng 54,4%. Sản phẩm giảm gồm: Cát sỏi các loại giảm 25,1%; đá khai thác giảm 25,2%; muối hạt giảm 41,7%; thức ăn gia súc giảm 39,8%.

1.2. Tình hình thương mại của tỉnh

Tình hình thị trường trong tháng 01/2024 lượng hàng hoá lưu thông đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng. Sức mua của người dân tăng, tập trung vào một số mặt hàng chủ yếu như lương thực thực phẩm, quần áo, giầy dép và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ cho nhu cầu ngày Tết. Để phục vụ kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và khách du lịch trong dịp Tết Giáp Thìn, các cửa hàng tạp hóa đến các kios chợ Phan Thiết, Siêu thị Co.op Mart, Lotte mart, Vinmart, Bách hoá xanh…đã bày bán đủ các loại mặt hàng với nhiều mẫu mã đa dạng, đảm bảo chất lượng để người mua có thể lựa chọn. Công tác kích cầu tiêu dùng được tăng cường thực hiện, các siêu thị giảm giá nhiều mặt hàng như các mặt hàng thực phẩm, quần áo may sẵn, đồ gia dụng..., các cửa hàng điện máy, trung tâm mua sắm tăng cường khuyến mãi. Các ngành dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, cơ sở lưu trú và dịch vụ khác tiếp tục hoạt động và chuẩn bị phục vụ cho người dân địa phương và du khách trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2024 đạt 8.471,9 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 5.782,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

anh tin bai

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2024 ước đạt tháng 01/2024 ước đạt 71,5 triệu USD, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 69,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 18,0 triệu USD, tăng 7,4% so với tháng trước, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 0,8 triệu USD, tăng 1,7% so với tháng trước và giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 52,7 triệu USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 90,4% so với cùng kỳ năm trước.

 - Xuất khẩu trực tiếp tháng 01/2024 ước đạt gần 70,2 triệu USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhật Bản (mặt hàng thủy sản, hàng dệt may), Đài Loan (mặt hàng bộ quần áo, mực tươi), Hàn Quốc (mặt hàng mực khô, mực tươi, cá tươi), Italia (mặt hàng giày dép, mực tươi), Mỹ (mặt hàng giày dép, sản phẩm giấy, hàng thủy sản), Canada (mặt hàng giày dép, sản phẩm giấy). Giày dép và hàng dệt may là 2 mặt hàng góp phần tăng cao nhóm hàng hóa khác trong tháng này (có năng lực tăng thêm Công ty giày Nam Hà).

- Kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2024 ước đạt 137,3 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 88,3% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên liệu dệt may, da giày, hàng thủy sản…

                                                                     (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh)    

VP Sở
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập