Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ngành Công Thương năm 2023
Lượt xem: 168

Năm 2023, bám sát và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, mục tiêu hàng năm của cấp trên đề ra, công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành công thương đã triển khai và đạt được nhiều kết quả. Trong năm, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện, như: Kế hoạch số 288/KH-SCT ngày 10 tháng 02 năm 2023 về triển khai công tác an toàn thực phẩm ngành Công Thương năm 2023; Công văn số 935/SCT-QLTM ngày 17 tháng 4 năm 2023 về triển khai thực hiện Kế hoạch số 1088/KH-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XIV) về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; văn bản chỉ đạo các phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng, Kinh tế - Tài chính các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp quản lý trong các dịp lễ Tết, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, Tết trung thu,…

anh tin bai

Sở Công Thương tổ chức tập huấn an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương trên địa bàn TP.Phan Thiết

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh: Năm 2023, Sở Công Thương đã tổ chức 09 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho 626 người là cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tiểu thương tại chợ thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương; triển khai lắp đặt 12 pa-nô tuyên truyền an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn thành phố Phan Thiết, huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh; treo 17 băng-rôn theo khẩu hiệu tuyên truyền về “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.

Về công tác quản lý an toàn thực phẩm của ngành: 

Tuyến tỉnh: Sở Công Thương đã cấp 30 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt lũy tiến đến thời điểm hiện tại là 78/78 cơ sở thuộc diện cấp giấy. Hướng dẫn, tiếp nhận 36 Bản tự công bố sản phẩm thực phẩm/15 cơ sở thuộc ngành công thương quản lý, lũy tiến đến nay đã tiếp nhận 130 Bản tự công bố/55 cơ sở và công khai trên trang thông tin điện tử của Sở.

Tuyến huyện: đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 44 cơ sở thực phẩm thuộc cấp huyện quản lý, đạt lũy tiến đến thời điểm hiện tại là 193/367 cơ sở thuộc diện cấp giấy. Hướng dẫn, ký Bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 595 cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, đến nay đã có 2.370/3.098 cơ sở đã thực hiện ký cam kết.

Về công tác kiểm tra, hậu kiểm:

Trong năm 2023, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp tham gia các Đoàn kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, tiến hành kiểm tra 107 cơ sở, phát hiện và xử lý 09 cơ sở vi phạm. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách nhà nước là 118.000.000 đồng. Tại tuyến huyện, phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng, Kinh tế - Tài chính các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện, thị xã, thành phố do ngành y tế và lực lượng quản lý thị trường chủ trì, tiến hành kiểm tra 389 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (không có cơ sở vi phạm).

Tình hình thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, phát triển các hệ thống phân phối thực phẩm trên địa bàn tỉnh:

Đến nay, tổng số cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh 59 cửa hàng (16 cửa hàng Winmart+, 40 cửa hàng Bách hóa xanh, 03 cửa hàng Co.opfood); 02 kho chứa hàng hóa thuộc chuỗi hệ thống Bách hóa xanh (trong đó có 01 kho hàng phục vụ kinh doanh online); 03 siêu thị, 01 trung tâm thương thương mại; duy trì 01 “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm” tại thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình. Trong năm 2023, Sở Công Thương thẩm định, công nhận chợ xã Trà Tân, huyện Đức Linh đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới nâng cao, đảm bảo các yêu cầu chung theo TCVN 11856:2017 - tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành công thương còn gặp những khó khăn, hạn chế như:

(1) Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, công nghệ sản xuất, chế biến còn mang tính thủ công, nên công tác quản lý an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

(2) Hàng năm, nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành công thương tại tuyến huyện còn hạn chế. Việc bố trí, phân công cán bộ, công chức của cấp huyện và cấp xã trực tiếp làm công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm ngành công thương còn ít và đều là kiêm nhiệm, thiếu ổn định, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Sở Công Thương đưa ra một số giải pháp cần được tiếp tục triển khai thực hiện:

Một là, tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Hai là, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho các công chức cấp huyện, cấp xã.

Bốn là, tăng cường nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước, nhất là tại tuyến huyện; ban hành chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Năm là, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong đầu tư, duy trì và phát triển các hệ thống phân phối thực phẩm sạch; duy trì và phát triển các kênh phân phối hiện đại, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi an toàn phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh./. 

P. QLTM
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập