Hướng dẫn xử lý các điểm thu mua, tập kết phế liệu tái hoạt động trong khu dân cư
Lượt xem: 10153

Trước thực trạng hoạt động của các điểm thu mua, tập kết phế liệu tái hoạt động trong khu dân cư tại một số địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương hướng dẫn các địa phương xử lý VPHC đối với các điểm thu mua, tập kết phế liệu tái hoạt động trong khu dân cư theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng  giả, hàng cấm bảo vệ người tiêu dùng.

Thu mua phế liệu (kim loại, giấy, chai lọ, nhựa các loại...) hiện nay là một trong những ngành nghề kinh doanh mang lại rất nhiều nguồn lợi cho người dân, đã giúp rất nhiều người dân, các hộ gia đình thoát khỏi cảnh nghèo và nhiều khi còn giúp cho nhiều người vươn lên làm giàu.

 

Cơ sở thu mua, tập kết phế liệu tại một số địa phương

(Ảnh minh họa – St từ Internet)

 

Theo báo cáo của các địa phương các cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, theo quy mô hộ gia đình nằm xen lẫn các khu dân cư. Hầu hết các cơ sở kinh doanh phế liệu đang hoạt động chưa lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Chính quyền các địa phương mới chỉ yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường, tăng cường vận động, tuyên truyền, nhắc nhở đảm bảo các yếu tố vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ; chế tài xử phạt vi phạm còn nhiều hạn chế khiến việc kinh doanh phế liệu vẫn tồn tại nhiều bất cập.

          Và không chỉ xuất hiện tại các vùng nông thôn mà nay các cơ sở thu mua phế liệu này đã xuất hiện khá nhiều tại khắp các thành phố lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan đô thị. Trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý Nhà nước tại các tỉnh, thành phố đã đưa ra phương án là di dời các điểm thu mua phế liệu và các kho bãi tập kết phế liệu ra khỏi trung tâm thành phố.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 434 điểm thu mua, tập kết phế liệu, trong đó 355 điểm nằm trong khu dân cư, cần phải di dời, tập trung nhiều nhất là tại thành phố Phan Thiết, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam ...

Thành phố Phan Thiết là địa phương có nhiều điểm thu mua, tập kết phế liệu nhất trong tỉnh. Toàn thành phố có 102 điểm thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư, thuộc đối tượng phải di dời, 07 cơ sở được UBND thành phố chấp thuận được tồn tại hoạt động và 11 cơ sở được sắp xếp, bố trí lại do địa bàn có nhiều khu vực đất trống, không nằm trong khu vực nội thành và xa khu dân cư.

Mặc dù triển khai quyết liệt việc di dời, nhất là đối với các trường hợp phát sinh mới hoặc tái hoạt động trở lại các điểm thu mua, tập kết phế liệu trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố vẫn còn điểm thu mua, tập kết phế liệu hoạt động trong khu dân cư; gây ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng và có nguy cơ cháy nổ vô cùng cao và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các địa phương.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3044/UBND-KT ngày 18 tháng 8 năm 2021 về việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư; trong đó có nội dung giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản thị trường Bình Thuận các đơn vị liên quan hướng dẫn Ủy     ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố việc xử phạt vi phạm hành chính trong “hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng” được quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng  giả, hàng cấm bảo vệ người tiêu dùng nhằm đảm bảo hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, tập kết phế liệu ra khỏi khu dân cư.

 

Hình ảnh phổ biến của một cơ sở thu mua, tập kết phế liệu

(Ảnh minh họa – St từ Internet)

Trên cơ sở quy định của pháp luật và tiếp thu có chọn lọc ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan; Sở Công Thương đã có Công văn số 2274/SCT-TTr ngày 14 tháng 9 năm 2021 hướng dẫn việc xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đối với các điểm thu mua, tập kết phế liệu tái hoạt động trong khu dân cư. Theo đó, hướng dẫn các địa phương một số nội dung cơ bản về xác định đối tượng vi phạm, đó là chỉ những cá nhân, tổ chức có hoạt động “Nhập khẩu phế liệu” mới thuộc đối tượng điều chỉnh (bị xử phạt VPHC) theo quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP; về xác định hành vi vi phạm là các cá nhân, tổ chức hoạt động “Nhập khẩu phế liệu” này đã bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt VPHC; trong đó có áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh nhưng hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động trở lại trong khu dân cư; về xác định thẩm quyền lập biên bản VPHC có thể là: Chủ tịch UBND cấp xã, Phó Chủ tịch UBND cấp xã (nếu được Chủ tịch UBND cấp xã có quyết định giao quyền xử phạt); công chức cấp xã, công chức, viên chức thuộc UBND cấp huyện, Đội Quản lý thị trường, chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; về xác định thẩm quyền xử lý VPHC thì thẩm quyền xử lý thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện; …

(chi tiết xem thêm nội dung tại Công văn số 2274/SCT-TTr ngày 14 tháng 9 năm 2021 của Sở Công Thương).

 
Thanh tra Sở
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập