Tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Lượt xem: 828

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 03 đơn vị kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) cung ứng cho các cơ sở sử dụng bao gồm: Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ Nam Trung bộ, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hoá chất mỏ Nam bộ và Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng. Đây là 03 đơn vị được cấp phép kinh doanh VLNCN; tuy nhiên 03 đơn vị này không có kho chứa VLNCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhưng có cụm kho cố định nổi đặt tại địa phương có trụ sở chính của đơn vị, cụ thể: Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ Nam Trung bộ có cụm kho cố định nổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với dung tích cụm kho chứa là 135 tấn, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hoá chất mỏ Nam bộ có cụm kho dự trữ quốc gia cố định nổi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với dung tích cụm kho chứa là 100 tấn, Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng có cụm kho cố định nổi đặt tại chi nhánh của Công ty ở phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Để cung ứng VLNCN cho các cơ sở sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thì 03 đơn vị này vận chuyển từ kho của đơn vị tới các kho tiêu thụ cố định hoặc tới công trường của các cơ sở đang thi công có sử dụng VLNCN.

Công tác quản lý, sử dụng VLNCN rất được các Sở ngành quan tâm; tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 13 đơn vị đã được cấp thẩm quyền cấp Giấy phép sử dụng VLNCN trong hoạt động khai thác khoáng sản đá xây dựng và thi công công trình thuỷ lợi, cầu đường. Cụ thể: có 10 đơn vị do Sở Công Thương cấp phép, 3 đơn vị do Bộ Công Thương cấp phép.

Một số ít đơn vị sử dụng VLNCN để khai thác khoáng sản đá xây dựng có kho bảo quản VLNCN tất cả đều thực hiện tốt việc trang bị đầy đủ các dụng cụ PCCC, như: bình CO2 , bể chứa nước, thang, xô, xẻng, treo biển báo, tiêu lệnh, nội quy về an toàn và các hệ thống chống sét, chống trộm đột nhập; Có phương án PCCC theo quy định. Do làm tốt công tác PCCC, các đơn vị chưa để xảy ra sự cố cháy nổ.

Các đơn vị sử dụng VLNCN đều có đủ nhân sự để quản lý điều hành hoạt động sử dụng VLNCN; Công tác bảo vệ VLNCN được các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt, không để xảy ra hiện tượng mất mát VLNCN; Nhân viên bảo vệ, thủ kho được lựa chọn và có tín nhiệm, hầu hết các đối tượng làm công việc liên quan đến VLNCN đều được huấn luyện về công tác quản lý, sử dụng, bảo quản và vận chuyển VLNCN, công tác phòng cháy chữa cháy và được cấp giấy chứng nhận đã huấn luyện, kiểm tra kiến thức về quy phạm kỹ thuật an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN.

Trong các năm gần đây, các đơn vị sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng có liên quan đến VLNCN. Có trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn lao động như: quần áo, găng tay, khẩu trang, giày, mũ, mặt nạ phòng độc,... Các đơn vị sử dụng VLNCN đúng chủng loại đã được Bộ Công Thương công bố và cho phép sử dụng như: Nhũ tương, AD1, TNT, Anfo ... ; Việc xuất nhập VLNCN được thực hiện đúng quy trình. Tổ chức tốt công tác tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển VLNCN không để thiếu hụt, tồn kho kém phẩm chất. Các đơn vị đều lập hộ chiếu khoan nổ mìn đầy đủ, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra và đã hướng dẫn cụ thể và yêu cầu đơn vị chấp hành. Hướng dẫn cho đơn vị lập hộ chiếu khoan nổ mìn rõ ràng, chính xác, đơn giản, dễ hiểu, dễ tổ chức thi công.

Tuy vậy, vẫn còn một số ít doanh nghiệp chấp hành chưa tốt các quy định về VLNCN như hộ chiếu nổ mìn lập không đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật, chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng VLNCN, khi chấm dứt sử dụng VLNCN, thay đổi nhân sự làm việc liên quan đến VLNCN không báo cáo với cơ quan chức năng.

Nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng chấp hành không đúng quy định của pháp luật về VLNCN phần lớn là do lãnh đạo đơn vị chưa quan tâm đến công tác đào tạo, tuyển dụng những người làm việc liên quan đến VLNCN, nên những người này thường xuyên thay đổi, đơn vị thiếu những cán bộ có kinh nghiệm trong công tác quản lý VLNCN. Một số ít đơn vị không tự giác chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý VLNCN, thường tìm cách đối phó, do đó vẫn tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn trong công tác vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về VLNCN, một số giải pháp đặt ra trong thời gian tới như sau:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất về hoạt động VLNCN, qua đó kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết xử lý đối với những vi phạm.

- Tạo sự thuận lợi cho tổ chức và cá nhân trong việc tiếp cận các thông tin và thực hiện đơn giản hoá các hồ sơ thủ tục hành chính về cấp phép sử dụng VLNCN, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về VLNCN để từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về VLNCN của các đơn vị sử dụng.

- Nhắc nhở, chấn chỉnh các doanh nghiệp cần đề cao tinh thần trách nhiệm, phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định hiện hành và tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát sử dụng VLNCN, đặc biệt là khâu kỹ thuật nạp mìn nhằm tránh thất thoát VLNCN.

            - Khuyến khích các doanh nghiệp từng bước chuyển sang sử dụng phương pháp nổ mìn phi điện để giảm chấn động, nâng cao quy mô bãi nổ và phát tán bụi vào môi trường./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập