Ngày 23/02/2023, Phó
Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg về Kế
hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030.
Kế hoạch nhằm đảm bảo sự chỉ
đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố
chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu
quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa
phương trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả
khi xảy ra sự cố chất thải.
Vận dụng, thực hiện tốt phương
châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống
tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại
về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.
Kế hoạch dự báo các tình huống
cơ bản về sự cố chất thải rắn thông thường (CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp...);
sự cố chất thải rắn nguy hại (chất thải y tế nguy hại dạng rắn, chất thải nguy
hại dạng rắn); sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải); sự cố chất thải khí
(khí thải).
Thanh tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp, chế xuất,
nhà máy, làng nghề vi phạm về xử lý chất thải
Kế hoạch nêu rõ biện pháp phòng
ngừa sự cố, trong đó, kiện toàn tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đi đôi với kiện toàn
lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng
ngừa ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.
Rà soát, kiểm tra, thanh tra,
xử lý nghiêm các khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy, làng nghề... vi phạm quy
định về quản lý, xử lý chất thải. Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông
báo, báo động sự cố từ Trung ương đến địa phương.
Đầu tư mua sắm trang, thiết bị,
vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng từ Trung ương
đến địa phương.
Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch ứng
phó sự cố chất thải sát thực tế với vùng, miền, địa phương. Tổ chức tập huấn,
huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, tổ chức
diễn tập, hội thao; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận
thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng trong phòng ngừa, ứng
phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa chất thải.
Nâng cao hiệu quả công tác phối
hợp, hiệp đồng giữa các bộ, ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc
phục sự cố, thảm họa chất thải.
Nhanh chóng sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi
khu vực xảy ra sự cố
Về biện pháp ứng phó, khắc phục
hậu quả, theo kế hoạch, sẽ tổ chức quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và
cảnh báo, thông báo, báo động kịp thời sự cố chất thải trên các phương tiện
thông tin đại chúng đến các cấp, các ngành và cộng đồng.
Tăng cường chế độ ứng trực, chủ
động nắm chắc tình hình, đánh giá, kết luận, xác định phương án ứng phó kịp
thời, hiệu quả; đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động đối với
môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo lực lượng tại chỗ của tỉnh (Bộ Chỉ huy
Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh...) phối hợp với
chính quyền địa phương và nhân dân nơi xảy ra sự cố nhanh chóng sơ tán người,
phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố, phong tỏa hiện trường, kịp
thời thông tin, định hướng dư luận.
Bên cạnh đó, ngăn chặn nguồn
chất thải ra môi trường, cụ thể:
Với sự cố chất thải rắn thông
thường (CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp...), sử dụng lực lượng, phương tiện tại
chỗ để hạn chế, không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường, kịp thời
triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa..., không cho đất, đá thải trôi ra
môi trường.
Với sự cố chất thải lỏng (bùn
thải, nước thải), dừng phát tán chất thải, kịp thời triển khai bịt lấp thân đập
bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện
trường), sử dụng hệ thống bơm để hút toàn bộ nước thải thu về bể chứa, hồ
chứa...
Còn với sự cố chất thải khí
(khí thải), sử dụng công nghệ, như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng
phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than
hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí
độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng
công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại...
Đánh giá mức độ ô nhiễm và
triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường
thiệt hại (nếu có); làm sạch nguồn nước bằng chất Oxy hóa khử, như: Clo, Kali
pemangnat, Clorat canxi, Bicromat kali, Dioxit clo, Hypoclorit canxi... hoặc sử
dụng vi sinh để xử lý nước thải (phương pháp sinh học), sử dụng các loại vi
sinh vật để khử các chất hữu cơ độc hại.
Về khắc phục hậu quả, phục hồi
môi trường sau sự cố, thảm họa, theo kế hoạch, cần tổ chức lực lượng, phương
tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải đúng quy định; quan trắc,
đánh giá chất lượng môi trường, tổng hợp báo cáo và đưa nhân dân trở lại sinh
sống.
Chi tiết Quyết
định số 146/QĐ-TTg 146.QD.TTg.pdf