Chiều 1/8,
tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức
Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban
Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo. Theo đó, nhiều nội dung được đưa ra như công tác
quản lý, sử dụng, phát triển ngành Công nghiệp hóa chất để đảm bảo theo tiêu
chuẩn, quy định hiện nay...
Tham dự Hội thảo có các thành viên của
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Hội đồng Dân tộc và một số
Ủy ban của Quốc hội. Về phía cơ quan soạn thảo dự án Luật Hóa chất có ông
Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cùng đại diện một số
Bộ ngành hữu quan và các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học.
Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Hóa chất, ông Phùng Mạnh Ngọc
-Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khẳng định: Sau 16 năm thi hành, việc
thực thi Luật Hóa chất năm 2007 đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành Công nghiệp hóa chất đã có bước phát
triển mạnh mẽ, sản phẩm hóa chất sản xuất trong nước đã đa dạng hơn về chủng
loại, chất lượng được cải thiện, một số lĩnh vực của ngành đã cơ bản đáp ứng đủ
nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Luật Hóa chất và các văn bản dưới
luật đã hình thành một hệ thống quy định quản lý hóa chất tương đối toàn diện
từ trung ương đến địa phương. Cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước,
hoạt động hóa chất đã được quản lý chặt chẽ và ngày càng đi vào nền nếp, quy
củ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 16 năm thi hành Luật Hóa chất năm
2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Các quy định đối với dự án hóa chất chủ
yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường,
chưa đề cập đến các yêu cầu về công nghệ, định hướng phát triển ngành, chất
lượng sản phẩm hay các yêu cầu về hóa học xanh và phát triển bền vững; chưa có
cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có tính ổn định để thu hút đầu tư trong
hoạt động hóa chất. Quy định về quản lý hóa chất chủ yếu tập trung vào hoạt
động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hóa chất, trong khi đó, các quy định đối
với hoạt động sử dụng hóa chất chưa đảm bảo được hiệu lực quản lý, các quy định
về vận chuyển, thải bỏ hóa chất còn chung chung và chưa được quan tâm, dẫn đến
những lỗ hổng quản lý trong chu trình vòng đời của hóa chất. Nhiều sản phẩm
tiêu dùng chứa hóa chất nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc
có thể ảnh hưởng lâu dài đến môi trường khi thải bỏ, tuy nhiên Luật chưa có quy
định điều chỉnh.
Ngoài ra, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm.
Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ
quan quản lý và doanh nghiệp. Nhiều đơn vị xem nhẹ các quy định về an toàn hóa
chất, không thực hiện hoặc thực hiện đối phó, hình thức, chưa đảm bảo công tác
phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất. Giữa các cơ quan quản lý còn thiếu cơ chế
phối hợp, chia sẻ thông tin về công tác quản lý hóa chất.
Từ cơ sở chính trị,
pháp lý và thực tiễn nêu trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Hóa chất năm 2007
nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa
chất với tính chất là ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu
sản suất cơ bản của nền kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các
Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập
trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Hóa chất năm 2007.
Dự thảo Luật Hóa chất
(sửa đổi) gồm 89 điều và được bố cục thành 10 chương. Phạm vi điều chỉnh của
Luật quy định về hoạt động hóa chất, phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất
nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ
của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.
Trên cơ sở các chính
sách được xây dựng, đối tượng áp dụng của Luật Hóa chất (sửa đổi) bao gồm: Tổ
chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động hóa
chất hoặc tham gia đầu tư, xây dựng dự án hóa chất, cơ quan tổ chức, cá nhân có
liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
Cần có tiêu chí, tiêu
chuẩn của hóa chất trong các lĩnh vực để dễ dàng quản lý hóa chất nguy hiểm,
độc hại
Trong khuôn khổ Hội
thảo, các đại biểu, chuyên gia tập trung cho ý kiến về các vấn đề như: sản
xuất, nhập khẩu hóa chất; quy định công bố danh mục hóa chất nguy hiểm trong
sản phẩm; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước; chiến lược phát triển ngành
Công nghiệp hóa chất...
Bà Phan Thị Tố Uyên -
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nêu quan điểm:
Cần thống nhất các khái niệm về hoạt động hóa chất đảm bảo nguyên tắc quản lý
theo vòng đời tại các chương, điều của dự thảo Luật. Xem xét các hoạt động gia
công, sang chiết, đóng gói hóa chất có thuộc hoạt động hóa chất hay không.
Ngoài
ra, không cần thiết quy định các Bộ ngành ban hành danh mục hóa chất nguy hiểm
trong sản phẩm do không đảm bảo tính khả thi. Chỉ cần quy định Bộ Tài nguyên và
Môi trường chịu trách nhiệm quản lý công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động
hóa chất; quản lý hoạt động thải bỏ, xử lý chất thải hóa chất theo quy định của
Luật Bảo vệ môi trường... để tránh trùng lặp khi triển khai thực hiện.
Đóng góp ý kiến về
Trách nhiệm xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị
tịch thu được quy định tại Điều 75, bà Phan Thị Tố Uyên cho rằng, việc xử lý
hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất bị tịch thu sẽ do UBND
cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ ngành liên quan thực
hiện.
Nêu quan điểm về phát
triển ngành Công nghiệp hóa chất, ông Đỗ Thanh Bái- Phó Chủ tịch Hội Hóa học
Việt Nam cho rằng, cần có chiến lược phát triển ngành Công nghiệp hóa chất một
cách bền vững; ưu tiên phát triển ngành thì cần đưa ra các tiêu chí đặc trưng,
danh mục các hóa chất trọng điểm. Bên cạnh đó là cần có sự tư vấn, thiết kế và
thẩm định thiết kế đối với các loại hóa chất.
Liên quan đến vấn đề
kiểm soát, buôn bán hóa chất, ông Đỗ Thanh Bái cho biết, hiện các cơ quan, địa
phương đã dành nguồn lực cho việc đảm bảo an ninh, an toàn hóa chất. Tuy nhiên,
việc kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hoặc nguyên liệu thì Bộ Tài
nguyên Môi trường và các cơ quan hữu quan cần có sự trao đổi, đưa ra các quy
định cụ thể hơn trong dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến vào việc quản lý hóa chất nguy hiểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban
Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị việc làm này cần gắn
với các tiêu chí, tiêu chuẩn của hóa chất trong các lĩnh vực với những cam kết
hiện nay. Đây cũng là sự cần thiết để cơ quan soạn thảo dự án Luật làm rõ hơn
những việc cần triển khai nhằm thuận tiện hơn trong công tác quản lý. Ngoài ra,
đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần làm rõ hơn
về hệ thống thông tin và cảnh báo về hóa chất độc hại, nguy hiểm nhằm bảo vệ
cộng đồng tốt hơn.
Phát biểu kết luận Hội
thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cảm ơn
những ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Luật
Hóa chất (sửa đổi). Những ý kiến đóng góp, đánh giá, đề xuất đều bám sát vào
các nhóm vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật theo sự phát triển của khoa học công
nghệ; công nghiệp hóa chất và phát triển bền vững; các tiêu chí về phát triển
ngành Công nghiệp hóa chất.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Ban
soạn thảo dự án Luật tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp rất mong tiếp tục nhận
được sự góp ý của các đại biểu, chuyên gia vào dự án Luật để dự kiến trình Quốc
hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024.