Tình hình Công nghiệp - Thương mại Bình Thuận tháng 12 và năm 2023
Lượt xem: 175

1. Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2023, với tác động của xung đột giữa Nga - Ucraina kéo dài; xung đột giữa Israel - Hamas ảnh hưởng đến ngành chế biến, chế tạo giảm. Ngành khai khoáng giảm sâu do nhu cầu khai thác cát, sỏi phục vụ xây dựng tuyến đường cao tốc đã hoàn thành. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với mức tăng trưởng khá là động lực chính cho sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12/2023 tăng 52,59% so với tháng trước và tăng 32,80% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 27,81%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,90%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 53,38% (do tháng cùng kỳ nhà máy Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng hầu như không phát điện); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,98%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,11% so với năm 2022, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 17,04%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 7,29%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,03%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,56%. Mức tăng chung của năm 2023 chủ yếu do sự đóng góp của ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; mức giảm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do các đơn hàng xuất khẩu giảm ở các ngành như: chế biến thủy sản, sản xuất tinh bột, sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất giày dép và sản xuất giường tủ bàn ghế.

anh tin bai

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước năm 2023 đạt 40.610,9 tỷ đồng, đạt 98,15%KH, tăng 3,80% so với năm 2022; trong đó công nghiệp khai khoáng 2.933,1 tỷ đồng, giảm 6,53%; công nghiệp chế biến chế tạo 20.598,3 tỷ đồng, giảm 0,37%; sản xuất và phân phối điện 16.822,7 tỷ đồng, tăng 11,66%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 256,8 tỷ đồng, tăng 4,46%.

* Một số sản phẩm chủ yếu trong tháng

Các sản phẩm sản xuất 12 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ gồm: Nước mắm tăng 5,96%; nhân hạt điều tăng 4,12%; quần áo may sẵn tăng 1,21%; điện sản xuất tăng 10,73%; sơ chế mủ cao su tăng 0,14%. Sản phẩm giảm gồm: Cát sỏi các loại giảm 9,65%; đá khai thác giảm 21,48%; muối hạt giảm 27,26%; thủy sản đông lạnh giảm 26,01%; thủy sản khô giảm 20,94%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) giảm 15,71%; gạch các loại giảm 27,70%; nước máy sản xuất giảm 5,07%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 40,95%; thức ăn gia súc giảm 26,67%; giày, dép các loại giảm 43,38%.

2. Tình hình thương mại của tỉnh

Tình hình thương mại năm 2023 có mức tăng trưởng khá; nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, hàng hoá dồi dào, đa dạng luôn đáp ứng kịp thời cho người dân. Hoạt động du lịch diễn ra khá nhộn nhịp, tại các địa phương đã diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao mang tầm quốc gia, cấp tỉnh và nhiều lễ hội khác nằm trong chương trình của Năm du lịch Quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh” thu hút nhiều du khách. Hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ và đường biển hoạt động thường xuyên, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2023 đạt 8.320,2 tỷ đồng, tăng 1,89% so với tháng trước và tăng 14,97% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 5.610,9 tỷ đồng, tăng 1,68% so với tháng trước và tăng 12,24% so với cùng kỳ.

Năm 2023 hoạt động thương mại duy trì ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt. Tình hình thị trường và giá cả hàng hóa ổn định, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển đã tạo diện mạo mới về thương mại, nhất là vùng nông thôn. Hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tiếp tục được quan tâm. Dự ước năm 2023 doanh thu bán lẻ hàng hoá và các ngành dịch vụ đạt 95.486,9 tỷ đồng, tăng 28,58% so với năm 2022. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 61.492,6 tỷ đồng, đạt 104,22%KH, tăng 18,25%; doanh thu các ngành dịch vụ đạt 33.994,3 tỷ đồng tăng 52,71%

anh tin bai

Tình hình kinh tế thế giới khó khăn, tổng cầu suy giảm, các hợp đồng xuất khẩu giảm mạnh đã tác động đến xuất khẩu hàng hóa giảm so với cùng kỳ.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2023 ước đạt 68,26 triệu USD, tăng 12,79% so với tháng trước và tăng 5,34% so với cùng kỳ. Trong đó: nhóm hàng thủy sản ước đạt 21,1 triệu USD, tăng 8,42% so với tháng trước và tăng 34,73% so với cùng kỳ; nhóm hàng nông sản ước đạt 1,04 triệu USD, tăng 9,69% so với tháng trước và giảm 30% so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác ước đạt 46,11 triệu USD, tăng 15% so với tháng trước và giảm 3,19% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 714,44 triệu USD, đạt 87,23%KH, giảm 8,59% so với năm 2022. Trong đó: nhóm hàng thủy sản ước đạt 214,77 triệu USD, giảm 14,13% so với năm 2022; nhóm hàng nông sản ước đạt 14,25 triệu USD, tăng 9,86%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 485,42 triệu USD, giảm 6,37%. Bên cạnh nhóm hàng thủy sản và hàng hóa khác giảm so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài giảm, thì nhóm hàng nông sản tăng trưởng khá nhưng chiếm tỷ trọng không cao trong tổng kim ngạch nên tác động không đáng kể đến tốc độ tăng trưởng chung của tổng kim ngạch, trong đó cao su tăng gần gấp 3 lần (do cùng kỳ năm 2022 mặt hàng này không có đơn hàng). Các nhóm hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ do không có đơn hàng nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ (nhóm hàng dệt may và da giày có đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại ở 2 tháng cuối năm).

+ Xuất khẩu trực tiếp ước đạt 703,92 triệu USD, giảm 9,1% so với năm 2022. Thị trường Châu Á ước đạt 515,9 triệu USD, tăng 2,6% so với năm 2022; thị trường Châu Âu đạt 46,46 triệu USD, giảm 46,23%; thị trường Châu Mỹ đạt 136,75 triệu USD, giảm 26%; thị trường Châu Đại Dương và Châu Phi đạt 8,79 triệu USD chiếm tỷ trọng không đáng kể. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như tôm thẻ chân trắng (xuất đi Mỹ, Nhật, Đức, Anh), mực tươi đông lạnh (xuất đi Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ), thủy sản khác các loại (xuất đi Nhật Bản, Côlômbia, Mỹ, Đan Mạch), các loại quặng (xuất chủ yếu đi Trung Quốc), các sản phẩm may mặc (xuất đi Nhật Bản), giày dép các loại (xuất đi Mỹ, Hà Lan, Canada, Italia….).

+ Ủy thác xuất khẩu năm 2023 ước đạt 10,52 triệu USD, tăng 48,39% so với năm 2022.

- Kim ngạch nhập khẩu năm 2023 ước đạt 1.227,61 triệu USD, giảm 10,11% so với năm 2022; Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất như hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy các loại. Tỷ trọng một số mặt hàng chủ yếu: nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chiếm 73,11% tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu; nguyên phụ liệu may, da, giày chiếm 12,68%; hàng thủy sản chiếm 11,57%.

                                                                     (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh) 

VP Sở
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập